Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm việc tại Đức

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Đức để thảo luận nhằm thúc đẩy giảng dạy tiếng Việt tại Đức, tiếng Đức tại Việt Nam.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm việc tại Đức ảnh 1Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức Stefan Müller. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Từ ngày 5-11/10, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Đức để tìm hiểu, thảo luận nhằm thúc đẩy hơn nữa vấn đề giảng dạy tiếng Việt tại Đức, tiếng Đức tại Việt Nam cũng như hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Tại buổi làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức Stefan Müller, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của phía Đức đối với trường Đại học Việt-Đức trong thời gian qua và đề nghị phía Đức tiếp tục ủng hộ trong thời gian tới.

Quốc vụ khanh Müller cho biết Đức rất quan tâm đến dự án này, coi đây là ngọn hải đăng, cầu nối hết sức quan trọng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao những thành công của Đức về đào tạo nghề theo mô hình song hành, bày tỏ mong muốn phía Đức cùng hỗ trợ Việt Nam, khuyến khích đẩy mạnh hợp tác mở các chi nhánh, phân hiệu và liên kết đào tạo nghề tại Việt Nam.

Hai bên cũng trao đổi kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong lĩnh vực đào tạo nghề; nhất trí về vai trò quan trọng của đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phía Đức khẳng định sẵn sàng trao đổi chuyên gia về vấn đề này với Việt Nam.

Trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt tại hai nước, hai bên đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đào tạo ngôn ngữ tiếng Đức và tiếng Việt ở mỗi nước.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị phía Đức giúp đỡ và quan tâm đến các thế hệ người Việt tại Đức, cùng phối hợp với phía Việt Nam tiến hành mạnh hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Việt cho người Việt tại Đức, đặc biệt là các thế hệ sinh ra và lớn lên ở Đức.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề nghị Đức tăng cường cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Tiếp đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có cuộc trao đổi với với Bộ trưởng Quốc vụ Bộ Ngoại giao phụ trách Các vấn đề Nam Á và Đông Nam Á, bà Maria Böhmer.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm việc tại Đức ảnh 2Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thảo luận với Bộ trưởng Quốc vụ Bộ Ngoại giao Đức Maria Böhmer. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện Thỏa thuận hợp tác về giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam và Chương trình sáng kiến Trường học đối tác tương lai (PASCH) của Bộ Ngoại giao Đức hiện đang được hai bên phối hợp triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam.

Chương trình khung giảng dạy môn tiếng Đức sẽ sớm được đưa vào áp dụng chính thức tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hai bộ trưởng cũng nhất trí trong việc cần quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho thế hệ người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức, cầu nối quan trọng giữa hai nước.

Hai bên nhất trí cùng phối hợp triển khai vấn đề này với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và các tiểu bang của Đức, đặc biệt quan tại các trường có đông con em người Việt học tập.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, hai bên thảo luận về đào tạo thí điểm điều dưỡng viên tại Đức và nhất trí sẽ có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm cho mô hình này.

Liên quan trường Đại học Việt-Đức, Việt Nam đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục có hình thức hỗ trợ trường sau 2016 và khuyến khích thừa nhận rộng rãi bằng cấp của trường. Phía Đức coi đây là một biểu tượng và là cầu nối quan trọng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có buổi làm việc tại Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức bàn về vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đào tạo điều dưỡng viên tại Đức.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm việc tại Đức ảnh 3Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao tập sách tiếng Việt cho Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Dự kiến, đầu tháng 12/2014, phía Đức sẽ đưa đoàn cán bộ sang Việt Nam tiếp tục trao đổi về vấn đề này.

Đoàn cũng đã tới thăm, làm việc và thảo luận tại một số cơ sở đào tạo, nhà xuất bản, trường đại học, Viện Goethe; gặp đại diện sinh viên, người Việt làm việc, học tập tại Đức và tới thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục