Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu siết chặt coi thi đợt 2

Trong công điện gửi Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu siết chặt việc coi thi đợt 2.
Ngày 5/7, ngay khi kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010 kết thúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã gửi công điện tới Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các đại học, học viện và các trường đại học.

Công điện yêu cầu Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các đại học, học viện và các trường đại học thực hiện nghiêm túc việc tổ chức thi theo đúng ngày thi, lịch thi và thời gian biểu từng buổi thi tuyển sinh đại học đã công bố (thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu sẽ tổ chức vào ngày 9-10/7).

Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu có liên quan đến đề thi: giao nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng đề thi; tuyệt đối không được bóc nhầm đề thi theo lịch thi đã công bố.

Cán bộ coi thi không tự ý giải thích bất cứ nội dung gì có liên quan đến đề thi. Cán bộ coi thi phải quản lý, niêm phong và bàn giao lại các đề thi thừa của mỗi buổi thi cho trưởng điểm thi tại phòng thi theo quy định.

Công điện cũng yêu cầu các trường kiểm tra và rà soát lại toàn bộ các khâu của công tác chuẩn bị, kể cả các phương án dự phòng, đặc biệt không để nhầm lẫn, thất lạc, mất mát bài thi của thí sinh.

Cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ Quy chế tuyển sinh cho thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 8/7, nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào trong phòng thi.

Đối với các môn thi tự luận, cán bộ coi thi thứ nhất chỉ ký vào giấy thi và giấy nháp của thí sinh, sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi và giấy nháp.

Quy định trên cũng được áp dụng đối với các tờ giấy thi và giấy nháp bổ sung.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, cả hai cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp trước khi phát cho thí sinh.

Các trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, cung cấp điện nước ổn định và có các phương án dự phòng, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra, như mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục