Bộ trưởng J. Lew kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ cải cách IMF

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 17/3 cảnh báo uy tín của Mỹ sẽ bị đe dọa nếu Quốc hội nước này không thông qua kế hoạch cải cách IMF.
Bộ trưởng J. Lew kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ cải cách IMF ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. (Nguồn: Bloomberg)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 17/3 cảnh báo uy tín của Mỹ sẽ bị đe dọa nếu Quốc hội nước này không thông qua các cải cách về tỷ lệ ảnh hưởng và hạn ngạch đóng góp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, ông Lew cho biết: "Các cải cách trên sẽ góp phần củng cố hơn nữa nền tảng tài chính của IMF trong dài hạn, giúp hiện đại hóa cơ cấu quản lý của IMF cũng như duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc định hình thể chế tài chính này."

Ông Lew cảnh báo việc Mỹ tiếp tục không thông qua kế hoạch cải cách này sẽ khiến các quốc gia khác, trong đó có các đồng minh của Mỹ, đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ với IMF cũng như với các thể chế đa phương khác có vai trò thúc đẩy các lợi ích an ninh, kinh tế cốt lõi của Mỹ cũng như của toàn thế giới mà nước này tham gia định hình.

Là quốc gia duy nhất có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của IMF, trong hơn 2 năm qua, Quốc hội Mỹ đã ngăn cản IMF tiến hành các cải cách này.

Theo kế hoạch cải cách được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2010, hạn ngạch đóng góp vào IMF của nhóm các cường quốc mới nổi BRICS (gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga) sẽ tăng từ 10% lên 14%. Bên cạnh đó, IMF cũng sẽ tăng gấp đôi nguồn tài chính dự trữ.

Trong trường hợp này, số đại diện của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh sẽ giảm đi, và các nước châu Âu sẽ mất 2 trong tổng số 8 ghế tại Hội đồng quản trị IMF.

Việc làm này của Mỹ khiến Trung Quốc và các nước được hưởng lợi từ cấu trúc quyền lực mang tính đại diện hơn cho nền kinh tế toàn cầu hiện nay cảm thấy tức giận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý việc trì hoãn thông qua cải cách đã đẩy các cường quốc kinh tế mới nổi tự mình hình thành các thể chế tài chính đa phương tương tự.

Năm 2014, nhóm BRICS đã thông báo xây dựng ngân hàng phát triển của riêng nhóm này, và gần đây Trung Quốc đã tham gia xây dựng một thể chế riêng biệt, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á.

Ông Lew cho rằng kế hoạch cải cách IMF sẽ giúp thuyết phục các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tham gia hệ thống đa phương này.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đề xuất khoản ngân sách cho tài khóa 2016, trong đó gia tăng cam kết đóng góp vào IMF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục