Bộ trưởng Môi trường: Thanh-kiểm tra không chỉ là xử lý và phạt tiền

Trong 5 năm qua, việc đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về tài nguyên và môi trường còn có một số nội dung chưa đúng, trúng các vấn đề bức xúc…
Bộ trưởng Môi trường: Thanh-kiểm tra không chỉ là xử lý và phạt tiền ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn lại công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, công tác thanh-kiểm tra về các lĩnh vực của ngành quản lý có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại như việc triển khai các đoàn thanh-kiểm tra còn chậm; việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức dẫn đến các tổ chức, cá nhân có vi phạm chưa chấp hành triệt để nhưng không được xử lý theo quy định của pháp luật…

Thanh-kiểm tra còn chậm so với kế hoạch

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 641 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.253 tổ chức; trong đó có 23 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 618 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành...

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 751 tổ chức với tổng số tiền là hơn 143,7 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 803 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11.000 tỷ đồng…

Trong 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ để tập trung thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh-kiểm tra về tài nguyên và môi trường. Qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là về lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản...

Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhận thức và chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực.

Tuy vậy, bên cạnh các kết quả đã đạt được, trong công tác thanh, kiểm tra vẫn còn một số tồn tại như việc triển khai các đoàn thanh - kiểm tra còn chậm so với thời gian ghi trong kế hoạch, chất lượng một số báo cáo kết quả kiểm tra còn hạn chế.

[Bộ trưởng TN-MT: Năng lượng 'xanh' và kinh tế tuần hoàn siêu bền vững]

Bên cạnh đó, do chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ; việc nắm bắt các thông tin dữ liệu của các đơn vị quản lý về lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn thiếu và yếu, dẫn đến việc đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm còn có một số nội dung chưa đúng, trúng các vấn đề bức xúc, chưa có trọng tâm, trọng điểm…

Bộ trưởng Môi trường: Thanh-kiểm tra không chỉ là xử lý và phạt tiền ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt, việc trao đổi, cập nhật thông tin về tình trạng vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm, dẫn đến một số hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực môi trường, khoáng sản chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận…

Nâng cao chất lượng thanh tra, giải quyết khiếu nại

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh cho rằng thời gian tới cần đổi mới phương thức trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm về tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn với địa phương; sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra…

Định hướng Chương trình thanh tra trong năm 2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa bộ, ngành; xây dựng các chương trình thanh tra chuyên đề đối với những dự án được giao khai thác, quản lý tài sản của nhà nước như khoáng sản, đất đai, tài nguyên nước...

Với những dự án có nhiều khiếu nại, phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thì ngoài thanh-kiểm tra theo chuyên đề thì sẽ tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, nghiêm khắc xử lý những sai phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.

“Việc thanh tra, kiểm tra không phải là xử lý được bao nhiêu vụ, phạt được bao nhiêu tiền, mà qua thông qua việc thanh tra, kiểm tra sẽ giải quyết các bức xúc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, để đảm bảo được tinh thần thượng tôn pháp luật; phát hiện những kẽ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để từ đó hoàn thiện được cơ chế pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo được sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục