Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Người làm khoa học phải chấp nhận tính rủi ro"

Thep Bộ trưởng Nguyên Quân, không quốc gia nào có 100% các đề tài nghiên cứu khoa học đều thành công và đều được ứng dụng, vì thế nên chia sẻ với những người làm khoa học phải chấp nhận tính rủi ro.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Người làm khoa học phải chấp nhận tính rủi ro" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, lần đầu tiên “tư lệnh” ngành khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân sẽ trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo giới về những vấn đề "nóng" mà ngành khoa học và công nghệ đang đối mặt.


- Thưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhiều đại biểu băn khoăn về vấn đề vai trò của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp còn mờ nhạt. Với lĩnh vực đang phụ trách, Bộ trưởng có ý kiến gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng nếu nói khoa học và công nghệ chưa có đóng góp đáng kể trong ngành nông nghiệp thì chưa thật khách quan.

Bằng chứng rõ nhất là việc Việt Nam của chúng ta từ chỗ nhập khẩu lương thực nay trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về xuất khẩu gạo, xuất khẩu hàng nông, thủy sản đạt tới mức 30 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên 20% tổng giá trị xuất khẩu.

Nhìn tổng thể, Việt Nam có nhiều mô hình sản xuất lớn đầu tư theo chuỗi giá trị rất thành công như một số doanh nghiệp ở Phú Yên, Bình Định đã làm chủ được thiết bị câu cá ngừ và công nghệ CAS của Nhật Bản về bảo quản cá ngừ xuất khẩu. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô lớn hàng trăm nghìn ha với đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp và 02 viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp.

Tỉnh Lâm Đồng và nhiều địa phương khác đã ứng dụng rất thành công công nghệ cao trong trồng rau sạch, trồng hoa. Hay gần nhất là việc nếu năm 2014, quả vải thiều chỉ có ở thị trường Nhật Bản thì năm 2015 hàng trăm tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang 6 nước trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Australia…

Điều đó cho thấy, nếu nông sản, thực phẩm không có vai trò của khoa học công nghệ, chắc Việt Nam không thể xuất khẩu như vậy.

Tôi cho rằng, với 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, trong đó chỉ có hơn 10% (trung bình khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) dành cho các đề tài, dự án nghiên cứu các cấp mà chúng ta đã làm được những sản phẩm, những kết quả khoa học và công nghệ như vậy là rất đáng khích lệ.

Những người làm khoa học và công nghệ Việt Nam đã vượt qua chính mình để có được những kết quả như vậy, mặc dù sự đầu tư của Nhà nước và xã hội còn rất khiêm tốn.

- Trên thực tế, hiện chúng ta vẫn còn rất nhiều công trình, đề tài nghiên cứu đủ các cấp ít tính khả thi, vẫn còn “để trong ngăn kéo,” vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo tôi, làm khoa học là phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Có những loại nghiên cứu mà chúng ta phải chấp nhận “bỏ ngăn kéo” ví dụ như nghiên cứu cơ bản.

Giống như các nước, nghiên cứu cơ bản bao giờ cũng phải đi trước, tiền đề để chuẩn bị cho những nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, những nghiên cứu này chưa được ứng dụng trong một giai đoạn nhất định, đến khi trình độ phát triển hay năng lực của xã hội đạt trình độ nào đó mới có thể ứng dụng được.

Ví dụ, phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Hoa Kỳ từ đầu những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng sau đó được xếp “ngăn kéo” gần một thập kỷ, đến khi người Nhật mua lại bằng sáng chế đó và sau một thời gian ngắn chất bán dẫn đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao không chỉ tại Nhật Bản mà cho toàn thế giới. Tương tự, cũng có nhiều nghiên cứu cũng như vậy.

Loại thứ 2 là những đề tài nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ đợi quá trình thương mại hóa hoặc chờ sự chấp nhận của xã hội. Giả dụ như nghiên cứu vắc-xin, chúng ta phải có giai đoạn dài để thử nghiệm lâm sàng, có cấp phép của ngành y tế…

Thứ 3 là đề tài nghiên cứu không bám sát vào yêu cầu của thực tiễn, nghiên cứu theo cảm tính, nghiên cứu theo mong muốn của cá nhân. Vì vậy, sau khi nghiên cứu xong không tìm được địa chỉ ứng dụng, không thương mại hóa được, dẫn tới phải bỏ ngăn kéo. Xã hội nào cũng phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định những nghiên cứu không được ứng dụng.

Thực tế, không có quốc gia nào có 100% các đề tài nghiên cứu khoa học đều thành công và đều được ứng dụng. Ngay cả các quốc gia phát triển nhất như Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng chỉ có khoảng 20% các đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng và thương mại hóa thành công.

Chính vì thế, chúng ta cũng nên chia sẻ với những người làm khoa học phải chấp nhận tính rủi ro. Chúng tôi nhận thức rất rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm và hiệu quả.

- Bộ trưởng từng trăn trở về việc năng suất lao động của chúng ta rất thấp so với các quốc gia trong khu vực như thấp hơn 2 lần so với ASEAN và 14 lần so với Singapore. Vậy khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò thế nào để cải thiện vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và đây là một trong những yếu tố làm cho đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gần đây có biểu hiện chững lại.

Vậy làm thế nào để nâng cao năng suất lao động? Điều này phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Khi ứng dụng khoa học công nghệ, chúng ta có được quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất lao động sẽ nâng lên so với lao động thủ công hoặc quy trình quản lý cũ.

Trong 5 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có một số hoạt động giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động như hướng dẫn thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO; trình Chính phủ các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Có 3 chương trình quốc gia lớn và 7 chương trình cấp quốc gia khác có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

Ví dụ, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo đó, yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt khoảng 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phải nâng lên một trình độ công nghệ cao hơn để đuổi kịp trình độ công nghệ các nước trong khu vực và thế giới.

Hay với Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Nhà nước sẽ hỗ trợ để tiếp nhận công nghệ, thuê chuyên gia, huy động các nhà khoa học, viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp phải có vốn đối ứng và dự án để đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592) với mục tiêu hỗ trợ một số viện trường, doanh nghiệp khoa học có được kết quả nghiên cứu tốt, có quá trình đổi mới công nghệ tốt, sớm đạt được mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, còn có Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ, Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ,…

Nếu làm tốt tất cả các công việc đó, Việt Nam sẽ sớm có năng suất lao động cao, có nhiều sản phẩm với tính cạnh tranh cao hơn, để tự tin bước vào hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục