Tôi đã từng có cơ hội phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bên lề Quốc hội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và mới đây là Hội nghị triển khai công tác báo chí, tuyên truyền năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ấn tượng của tôi về vị “tư lệnh ngành” là ông có những bài phát biểu dài đến gần một giờ mà chỉ “nói vo,” không cần nhìn giấy. Ông thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại của ngành và lắng nghe báo chí với một thái độ cầu thị.

Kể từ khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ông đã bám sát chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến.” Đây cũng là điều mà ông nhắc đến nhiều lần trong các cuộc trao đổi với báo chí.

Nhân dịp đầu Xuân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ với độc giả Báo điện tử Vietnam Plus những mục tiêu trong năm 2022 cũng như cùng nhìn lại hoạt động của ngành trong năm 2021.

2021: Vượt khó đi lên

– Thưa Bộ trưởng, ông đảm nhận cương vị “tư lệnh” ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người hầu như không được tổ chức, du lịch ngừng đón khách quốc tế. Năm 2021 lại được xem là năm “bản lề” cho cả nhiệm kỳ. Cá nhân ông có đánh giá như thế nào về tình hình của ngành trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Khi bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, chúng tôi đã xác định phương châm hành động của cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến,” với chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng thể chế, chính sách” để tạo ra một sức bật mới, một quyết tâm chính trị cao để toàn ngành tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cả ba lĩnh vực của bộ đều đã để lại những dấu ấn, những sự kiện, những số liệu biết nói cho thấy sự chuyển biến tích cực so với năm 2020, xin được khái quát trên mấy bình diện lớn sau đây:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dâng hương tưởng niệm và bày tỏ lòng thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sỹ tại Ngục Kon Tum.

Một là, bộ đã tập trung thực hiện việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Hay nói cách khác là tập trung khâu đột phá về mặt thể chế, từ đó chủ động rà soát, đề xuất tham mưu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để ban hành chủ trương, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước. Cụ thể, bộ đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Sở hữu trí tuệ (phần quyền tác giả, quyền liên quan); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)…

Hai là, xác định văn hóa có phạm trù rất rộng, phải phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp, phải được tác động từ nhiều chiều, bộ đã chủ động phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương để ký kết các chương trình trong 5 năm tới, trong đó có những chương trình mang dấu ấn như: Chương trình phối hợp hành động với Ban Tuyên giáo trung ương, với Ủy ban Dân tộc, với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Ba là, toàn ngành đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, chuyển đổi hoạt động theo chủ trương thích ứng an toàn, phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật thực hiện tốt những vấn đề mới chưa có tiền lệ như nhà hát online, nhà hát truyền hình, các chương trình livestream trực tiếp hình ảnh của những nghệ sỹ đi vào tâm dịch, mang lời ca, tiếng hát để phục vụ đồng bào, đồng chí, lực lượng ở tuyến đầu. Hoạt động này tạo ra một hiệu ứng “vaccine tinh thần” để cổ vũ, động viên nhân dân vượt qua khó khăn. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, tạo thành sức mạnh mềm của văn hóa.

Bốn là, du lịch cũng bước đầu tái khởi động. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ và được chấp thuận cho thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ninh. Chỉ trong vòng hơn một tháng thí điểm mở cửa, chúng ta đã đón 3.500 khách quốc tế. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và chào đón mọi du khách đến tham quan, du lịch.

Năm là, thể thao cũng để lại dấu ấn. Chúng ta tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao quốc tế và khu vực như Olympic Tokyo 2020, AFF Suzuki Cup và đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Vận động viên Lê Văn Công đoạt Huy chương Bạc tại Paralympic Tokyo 2020; đội tuyển bóng đá nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á; Đội tuyển Futsal Việt Nam lọt vào vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup 2021…

Nhìn tổng thể, từ việc xây dựng cơ chế chính sách đến việc thực hiện nhiệm vụ, ngành đã để lại những dấu ấn, số liệu, kết quả minh chứng cho sự vượt khó đi lên trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gặp gỡ, thăm hỏi và động viên Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia trước giờ lên đường thi đấu vòng loại World Cup tại UAE. (Ảnh: BVHTTDL)

‘Không được say sưa trên vòng nguyệt quế’

– Bên cạnh những điểm sáng đáng tự hào, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo là “không được say sưa trên vòng nguyệt quế.” Với tất cả sự cầu thị, nghiêm túc nhìn lại, chúng tôi thấy rằng ngành của mình còn nhiều việc phải làm, nhiều điểm nghẽn phải tháo gỡ và cũng cần nỗ lực hơn nữa.

Trong quá trình tiếp biến văn hóa và chủ động xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cũng đang gặp khá nhiều trở ngại, đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa; chạy theo những lối sống thực dụng, những vấn đề văn hóa ngoại lai chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục để lại nhiều nhức nhối.

Có một thực tế mà chúng ta đang thấy và trăn trở là tầm quan trọng của văn hóa chưa được nhận thức một cách đầy đủ rằng đây là một trong ba trụ cột xây dựng đất nước (cùng với kinh tế và chính trị).

Ngoài ra, ngành văn hóa phải đối mặt với khó khăn khi thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số. Sự chuyển đổi này không thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai khi thiếu hạ tầng, công cụ trong tay.

VĐV người khuyết tật Lê Văn Công đã xuất sắc mang về cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tấm huy chương đầu tiên tại Paralympic Tokyo 2020. (Ảnh: BVHTTDL)

Để kiến tạo được một hệ sinh thái văn hóa đòi hỏi phải có thời gian và cũng phải kiên trì để tổ chức thực hiện. Chính vì vậy phải liên tục, nỗ lực, quyết tâm và đồng thời với đó là phải tạo ra một sức mạnh tổng hợp. Bộ chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước, là nơi để kiến tạo một số cơ chế chính sách, còn trách nhiệm tổ chức thực hiện thì phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và vai trò của nhân dân vì nhân dân mới là chủ thể để xây dựng văn hóa.

Điểm thứ ba, trong quá trình tiếp biến văn hóa và chủ động xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cũng đang gặp khá nhiều trở ngại, đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa; chạy theo những lối sống thực dụng, những vấn đề văn hóa ngoại lai chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục để lại nhiều nhức nhối.

Vận hành ‘cỗ xe tam mã’

– Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những chủ trương gì nổi bật, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong năm 2021 và nhận rõ những thách thức, khó khăn và hạn chế, yếu kém những năm vừa qua, năm 2022, bộ tiếp tục khẳng định phương châm hành động là “Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến” và chọn chủ đề của năm là “xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và đội ngũ cán bộ.” Sở dĩ chọn chủ đề này là vì chúng ta đang tập trung để kiến tạo hệ giá trị văn hóa.

Bộ chọn 3 lĩnh vực lớn cần phải được tập trung là văn hóa, thể thao và du lịch, ví như hình ảnh cỗ xe tam mã. Với cách tiếp cận đó, năm 2022 toàn ngành sẽ nỗ lực thực hiện mấy vấn đề lớn như sau:

Trước hết là về thể chế, bộ sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất, báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số luật; trong đó ưu tiên cho Luật về Di sản văn hóa, sở dĩ chọn di sản văn hóa vì đó là giá trị, là báu vật của quốc gia, của dân tộc. Nếu biết phát huy nó thì nó sẽ tạo ra động lực của sự phát triển. Việc quản lý ở lĩnh vực này phải được tiếp cận dưới góc độ bảo vệ đồng thời phát huy giá trị của văn hóa, của di sản.

Việc thứ hai là phải tập trung cho chủ đề của năm là “xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và đội ngũ cán bộ.” Bộ sẽ ban hành các bộ quy tắc, các quy ước do nhân dân tự xây dựng với vai trò là chủ thể. Tới đây, chúng tôi cũng kiến nghị với Quốc hội khi ban hành Luật Thi đua-Khen thưởng thì những tiêu chí này phải do ủy ban nhân dân các tỉnh cụ thể hóa, bởi vì văn hóa của mỗi vùng, miền có sự khác biệt. Văn hóa Việt Nam được thực hiện trong sự phong phú, đa dạng và nằm trong một tổng thể thống nhất. Không thể có một khuôn mẫu chung cho cộng đồng thôn, bản ở từng vùng, miền.

Điểm thứ ba chúng tôi cũng quan tâm trong năm 2022, đó là năm mà chúng ta phải tập trung để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề phục hồi lại nền kinh tế sau đại dịch, trong đó có du lịch. Chính vì vậy, các nghành các cấp phải triển khai rất quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng để phát triển du lịch; trong đó xác định du lịch nội địa là hướng đi cơ bản để tạo ra các địa chỉ du lịch an toàn, gắn với đó là số hóa, cung cấp các dịch vụ tiện ích và an toàn cho người dân để ngành du lịch của chúng ta từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho ngân sách. Tất nhiên, muốn du lịch trở lại, điều quan trọng nhất là phải tạo ra được sản phẩm mới.

Nhiệm vụ lớn thứ ba trong năm 2022 là tổ chức thật tốt các hoạt động thể thao, đặc biệt là Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Với tư cách là nước chủ nhà, chúng ta phải tổ chức thật tốt 40 môn thi đấu trên 12 địa phương của cả nước và phải hiểu rằng đây là dịp mà chúng ta quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, là đấu trường để chúng ta rèn luyện và chúng ta tập duyệt, lựa chọn bộ môn để chúng ta vươn tới Olympic, đó là hướng đi mà chúng tôi cần phải làm.

Chỉ trong vòng hơn một tháng thí điểm mở cửa, Việt Nam đã đón 3.500 khách quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Tóm lại ở cả ba lĩnh vực, bộ đều phải cố gắng tạo điểm nhấn, có trọng điểm để thực hiện nhiệm vụ xây dựng ngành, không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhân dịp này, tôi cũng xin được trân trọng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến với tất cả độc giả, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. Chúc các vị sức khỏe, hạnh phúc, chúc mừng năm mới an khang-thịnh vượng.

– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Minh Thu
Minh Thu

(Vietnam+)