Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bạo hành trẻ ở Đà Nẵng là 'sự vô nhân tính'

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần cho ra khỏi ngành cô giáo bạo hành trẻ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định cơ sở có hành vi bạo hành trẻ em ở Đà Nẵng dứt khoát phải bị đình chỉ hoạt động, riêng với cá nhân cô giáo bạo hành phải cho ra khỏi ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần cho ra khỏi ngành cô giáo bạo hành trẻ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trên mạng xã hội xuất hiện hai clip ghi lại cảnh hai bảo mẫu tại Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (ở 251/32 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã bắt hai bé trai cởi trần nằm ngửa và tát liên tục vào mặt dược chia sẻ trên khắp các phương tiện truyền thông. Mặc dù nhóm trẻ này đã bị chính quyền địa phương đóng cửa ngay lập tức, nhưng vẫn chưa thể khiến dư luận thôi phẫn nộ.

[Điều tra, làm rõ hành vi bạo hành trẻ tại Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười]

Trao đối với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định cơ sở có hành vi bạo hành trẻ em ở Đà Nẵng dứt khoát phải bị đình chỉ hoạt động. Riêng với cá nhân cô, thầy có hành động bạo hành trẻ tương tự nhất định phải cho ra khỏi ngành.

“Hành động đó không chỉ là thiếu nghiệp vụ sư phạm, thậm chí ở đây là sự vô nhân tính. Bản thân tôi nhìn các hình ảnh đó cũng rất bức xúc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đối với các thầy cô giáo dạy trẻ mầm non, ông Nhạ cho rằng Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ vì việc dạy dỗ các em ở lứa tuổi này hết sức vất vả, căng thẳng, một cô có khi phụ trách 30-40 cháu, nhưng vi phạm phải bị xử lý nghiêm. Đối với nhóm trẻ tư thục, xã phường cấp phép, vì thế khâu thanh kiểm tra thuộc về các phòng, Sở Giáo dục và đào tạo.

“Trách nhiệm để xảy ra các vụ bạo hành trước hết ở các địa phương. Cụ thể là xã, phường nơi cấp phép cho cơ sở mầm non tư thục hoạt động, sau đó đến cấp quản lý tiếp theo…”, ông Nhạ nói.

Liên quan đến hàng loạt các vụ bạo hành trẻ mầm mon, nhóm trẻ tư thục thời gian qua, Bộ trưởng Phù Xuân Nhạ cho biết, cách đây 6-7 tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có khảo sát và có nhiều chỉ đạo tới địa phương, trong đó, nhấn mạnh đến khâu đào tạo giáo viên. Nếu giáo viên đáp ứng các yêu cầu cơ bản, đạt chuẩn sẽ hạn chế rất nhiều các vụ việc bạo hành trẻ và ngược lại. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang rà soát lại tiêu chuẩn giáo viên, đặc biệt tiêu chuẩn của Hiệu trưởng.

Bộ trưởng cũng cho rằng phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục khác hoạt động tốt. Tuy nhiên, xuất hiện một số cơ sở, một số giáo viên, học sinh có biểu hiện không đúng với quy định, thậm chí, có dấu hiệu đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục