Bộ trưởng Tài chính: Việt Nam sử dụng nợ hiệu quả

Đăng đàn sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời thắc mắc của đại biểu Quốc hội về biện pháp quản lý giá, việc sử dụng vốn vay...
Sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên.

Tiếp tục trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là lần thứ hai các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Chủ tịch đánh giá trong những kỳ họp gần đây báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã có những bước tiến mới, đã nêu cụ thể những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm được tiếp thu và xử lý như thế nào. Việc làm này góp phần làm tốt hơn công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là việc cần thiết, sắp tới sẽ làm tiếp làm và rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên chất vấn lần này đã có 189 chất vấn của 87 đại biểu gửi tới Thủ tướng và Chính phủ; trong đó có 17 chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; 20 bộ, ngành nhận được câu hỏi chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết những nội dung được lựa chọn chất vấn tại hội trường là những vấn đề lớn, mang tầm vĩ mô được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội cần được giải quyết. Việc trả lời chất vấn lần này vẫn theo nhóm vấn đề, lựa chọn một số bộ trưởng đăng đàn nhưng sẽ có nhiều bộ trưởng cùng tham gia nói về trách nhiệm của ngành mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết 4 bộ trưởng sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với phần lớn các chất vấn về quản lý giá cả.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát giá

Điều hành giá là vấn đề được đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

Thẳng thắn trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận một số mặt hàng trong diện quản lý giá của Nhà nước cần phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật về giá và thông tư, nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, đã có một số trường hợp không tuân thủ nguyên tắc này.

Bộ trưởng cho biết trước tình trạng này, các bộ liên quan đã tổ chức các cuộc kiểm tra, tuy nhiên không thể kiểm tra hết được, Bộ trưởng khẳng định.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã nêu lên trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các địa phương trong việc quản lý giá trên địa bàn mình quản lý, trong đó có việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về đăng ký giá.

Trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát về giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan quản lý thị trường tổ chức các cuộc kiểm tra trọng điểm, qua đó phát hiện một số vụ việc vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết.

Trên cơ sở vi phạm, các cơ quan hữu quan đã tiến hành phạt. Việc phạt này được thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận mức phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răng đe.

Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất thu hồi toàn bộ phần chênh lệch về cho Nhà nước nhưng vấn đề này hiện chưa được quy định trong văn bản pháp luật. Do đó, bộ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Nghị định để vận dụng vào việc xử phạt nặng hơn và nghiêm hơn.

Bộ trưởng khẳng định trên cơ sở tiếp thu các ý kiến cho rằng mức phạt còn nhẹ, bộ sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Danh Út về kiểm soát giá thuốc, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Giá thuốc hiện nay được giao cho các bộ có liên quan quản lý trong đó có Bộ Y tế. Chúng tôi quản lý nhà nước về giá thì cũng có kiểm tra kiểm soát việc hình thành giá từ sản xuất trong nước và nhập khẩu."

Qua kiểm tra, Bộ trưởng cho biết, tình trạng giá thuốc gian lận ngay từ khâu nhập khẩu (từ đối tác bên ngoài) đã xuất hiện.

Để giải quyết vấn đề này, bộ đang phối hợp đưa ra giải pháp kiểm soát giá thuốc, trong đó, có một vấn đề quan trọng là kiểm tra ngay từ khâu nhập khẩu, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng thấy rằng cần nghiên cứu và tổ chức lại việc lưu thông phân phối thuốc để Nhà nước quản lý được, nếu không sẽ rất khó khăn.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu giải trình thêm và khẳng định vấn đề giá thuốc đã được Bộ Y tế quan tâm thực hiện trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tại phiên họp thứ 5 của Chính phủ, giá thuốc của bốn tháng đầu năm 2010 so với bốn tháng đầu năm 2009 tăng 3,1% trong 10 mặt hàng thiết yếu.

Trong 22.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng cho biết có loại thuốc tăng dữ dội, có loại thuốc tăng cao, có loại tăng ít, có loại không tăng thậm chí giảm.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định vấn đề cử tri và đại biểu bức xúc là một số thuốc đặc trị, biệt dược... đã tăng từ 200-300%.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định bộ Tài chính, Y tế và Công Thương đã ban hành Thông tư 11 để quản lý nhà nước về giá thuốc và các giải pháp để quản lý giá thuốc đã được triển khai và bước đầu đã phát huy tác dụng.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc giá xăng dầu tăng nhanh nhưng giảm rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: "Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ và luôn đứng về phía người tiêu dùng, hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chứ không phải bao che hoặc chỉ đứng về phía doanh nghiệp".

Làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến kiểm soát việc thực hiện Pháp lệnh về giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, kiểm sát các hoạt động lưu thông, phân phối trên thị trường, trong đó có việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, rất khó để kiểm tra, kiểm soát, quản lý việc thực hiện ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lưu động, hàng rong.

Sử dụng hiệu quả vốn vay

Bên cạnh vấn đề bình ổn, quản lý giá cả, nhiều đại biểu cũng quan tâm chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về con số nợ công và vấn đề sử dụng nợ công như thế nào.

Bộ trưởng khẳng định đã đưa ra con số nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ hoàn toàn chính xác, đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả, nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nợ Chính phủ hiện chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8% GDP. Trong nợ nước ngoài, 86,5% là vay dài hạn (ODA, vay Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản). Thời hạn vay từ 30-40 năm.

Thực tế các khoản vay dành cho các dự án rất lớn, ví dụ một số cảng biển, công trình thủy lợi quan trọng. Vay ngắn hạn có thể cao bằng hoặc thấp hơn thị trường một chút, không ưu đãi, là 13,5%. Nợ trong nước trong cơ cấu nợ Chính phủ chiếm 41,2%. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 9,9%. Trong đó, bảo lãnh để vay nước ngoài chiếm 57,6%. Nợ của chính quyền địa phương là 26.000 tỷ, tương đương 1,6% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia hiện nay chiếm 38,9% GDP. Nợ trung và dài hạn 86,6%. Còn lại là nợ ngắn hạn. Trong nợ ngắn hạn, nợ Chính phủ là 64%, nợ doanh nghiệp 36%.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đồng tình Việt Nam còn nghèo, cần huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển là cần thiết, trong đó có vay vốn nước ngoài. Tuy nhiên, nợ Chính phủ từ năm 2007 đến nay tăng rất nhanh, dự báo năm nay lên đến gần 45%, sát cận cho phép.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thêm con số thực về nợ công, quan trọng hơn là cần phải làm rõ vấn đề quản lý, sử dụng như thế nào; trả nợ ra sao để tăng hiệu quả vay nợ đầu tư phát triển, giảm nhẹ gánh nợ của nhân dân, của đất nước.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trần tình: “Đã báo cáo đầy đủ, không giấu nợ” vì ông sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu xảy ra trường hợp vỡ nợ.

Bộ trưởng khẳng định nhìn tổng thể, Việt Nam đã sử dụng nợ có hiệu quả.

Phấn đấu giảm dần bội chi

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về lý do tăng thu ngân sách năm 2009 quá cao, vượt đến 52.440 tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội, chênh lệch đến 51.690 tỷ đồng.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích tăng thu là ở các yếu tố tốc độ GDP tăng đột biến trong các quý cuối năm 2009. Đây là điều đáng mừng, thể hiện tốc độ phục hồi kinh tế nhanh, tạo ra nguồn thu lớn hơn. Một lý do khác là công tác dự báo thu cũng chưa thực sự chuẩn xác. Riêng tốc độ tăng thu của quý IV đã lên tới 50.000 tỷ so với bình quân của ba quý trước. Xuất nhập khẩu cuối năm cũng khá hơn, nhập khẩu một số mặt hàng, giao dịch nhà đất khá hơn.

Một số đại biểu đặt vấn đề vì sao tăng thu nhưng bội chi không giảm. Theo Bộ trưởng, tăng thu 16.700 tỷ là của ngân sách Trung ương, còn lại tăng thu của địa phương mà Luật ngân sách quy định địa phương được toàn quyền sử dụng. Do đó, không điều được phần 33.000 tỷ của địa phương lên để làm giảm bội chi ngân sách.

Nếu sử dụng số thu Trung ương vào mục đích giảm bội chi thì toàn bộ những khoản nợ khác lại phải “treo,” phải bố trí vào ngân sách của năm 2010 hoặc một số năm sau để trả.

Bộ trưởng cho rằng hướng phấn đấu là bội chi càng thấp càng tốt, tuy nhiên, bội chi phải giảm dần trong một số năm sau, từ 3-5 năm.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết vấn đề tài chính tiền tệ luôn là vấn đề khó và rất quan trọng.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Việt Nam vẫn cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là một thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có phần đóng góp của Bộ Tài chính với những cố gắng và đóng góp quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét với phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tỏ ra nắm chắc, trình bày kỹ và làm sáng tỏ nhiều vấn đề về điều hành ngân sách, giá cả, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường, trong hội nhập kinh tế thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục có những biện pháp cải tiến thêm công tác điều hành ngân sách một cách căn cơ hơn, cân đối thu chi, bảo đảm ổn định an ninh quốc gia về tài chính./.

Thanh Hòa-Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục