Bộ trưởng Tài nguyên giải đáp những vấn đề "nóng"

Sau gần 2 giờ đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp hơn 20 câu hỏi của người dân.
Sáng 6/4, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ đã tổ chức cuộc đối thoại, thông tin tới các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về một số vấn đề chính như đất đai, khoáng sản, môi trường...

Sau gần 2 giờ đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và các lãnh đạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp “thấu tình đạt lý" hơn 20 câu hỏi của người dân về những vấn đề cụ thể, rất thiết yếu hiện nay, nhất là những vấn đề “nóng” trên lĩnh vực đất đai, ô nhiễm môi trường và hoạt động khoáng sản.

Xung quanh những thắc mắc của người dân về vấn đề quy hoạch và sử dụng đất còn thiếu hợp lý, chồng chéo, gây lãng phí tại một số địa phương trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng hiện các cơ quan chức năng của Bộ đang tiến hành trình Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đi đôi với việc triển khai hoàn thiện, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015).

Đồng thời, Bộ thực hiện việc kiểm tra công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở.

Bộ trưởng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất trong những năm qua là do trình độ đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cần thiết phải tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ này theo hướng chuyên nghiệp hóa, mặt khác công tác quy hoạch cần đổi mới đảm bảo kết nối liên vùng, nhằm khắc phục tận gốc quy hoạch manh mún, quy hoạch “treo” để tiết kiệm tối đa tài nguyên đất.

Về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân, Bộ trưởng khẳng định trong khi chờ có Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi hết thời hạn giao đất, cho thuê đất năm 2013, người sử dụng đất vẫn được tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai; người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các quyền theo pháp luật quy định, trong đó có quyền được cầm cố, thế chấp.

“Ngân hàng không nên hạn chế hay e ngại cho vay vốn đối với những trường hợp này,” Bộ trưởng nói.

Giải đáp câu hỏi về tỷ lệ nhà và đất ở tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu đô thị mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ đạt từ 17-19%, ông Trần Hồng Phí, Tổng cục Quản lý Đất đai giải thích nguyên nhân trước hết là không ít chủ đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục được cấp đất đã triển khai xây dựng, hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Mặt khác, có tới 90% căn hộ tại các dự án bị chuyển nhượng, mua đi bán lại qua nhiều chủ sở hữu gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác đăng ký, thậm chí có chủ hộ không làm thủ tục đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận.

Do đó, trong thời gian tới, cơ quan chuyên trách của Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra để giải quyết những trường hợp tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại các địa phương trong cả nước; triển khai thực hiện “Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường”; Dự án “Thí điểm xác định ranh giới, đo đạc, thống kê chi tiết hiện trạng đất nông, lâm trường quốc doanh” ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giải đáp bức xúc của người dân trước một số khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được Tổng cục Môi trường đẩy mạnh. Minh chứng là năm 2011, Tổng cục đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 375 cơ sở và khu công nghiệp; kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của 32 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

Tổng cục đã lập biên bản 154/375 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền 19 tỷ 405 triệu đồng; phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra liên ngành 66 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để theo Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ, đã lập biên bản xử phạt 41 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng...

Ngay trong năm nay, Tổng cục sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của Luật Bảo vệ môi trường 2005 theo hướng mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh (đang đề xuất xử phạt ô nhiễm mức cao nhất lên tới 2 tỷ đồng), thống nhất chức năng quản lý, tránh tình trạng chồng chéo, phân tán như hiện nay nhằm xây dựng bộ luật hoàn chỉnh về môi trường.

Tại buổi đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và một số lãnh đạo vụ, cục cũng đã giải đáp cặn kẽ một số ý kiến chất vấn mà các tổ chức, cá nhân đưa ra liên quan đến hoạt động khoáng sản, như khai thác vàng sa khoáng, titan, bauxite, khai thác cát sỏi dưới lòng sông... ở địa bàn một số địa phương.

Do thời gian cuộc đối thoại trực tuyến có hạn, Bộ trưởng cam kết sẽ trả lời bằng văn bản những câu hỏi của người dân và các tổ chức, các doanh nghiệp đã nêu ra; đồng thời sẽ tiếp tục tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về các lĩnh vực quản lý của Bộ vào cuối năm nay./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục