Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đối thoại trực tuyến

Trong gần 2 giờ, Bộ trưởng đã tập trung giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến quản lý báo chí, xuất bản, CNTT-viễn thông
Chiều 12/6, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

Trong gần 2 giờ đồng hồ, Bộ trưởng đã tập trung giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến hoạt động quản lý báo chí, xuất bản, công nghệ thông tin-viễn thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

Chủ đề “nóng” được nhiều người đặt câu hỏi với Bộ trưởng tại buổi đối thoại là vấn đề quản lý báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Những sự kiện quan trọng của đất nước đã được báo chí dành thời lượng, đăng tải nhanh chóng, kịp thời tới nhân dân, như Đại hội Đảng XI, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, các kỳ họp Trung ương, Quốc hội...

Báo chí dành nhiều tin bài về gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Bên cạnh việc báo chí đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, trong lĩnh vực đối ngoại, báo chí đã đưa những thông tin mới về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của các nước đến Việt Nam; đồng thời giúp cho kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, thành tựu phát triển, nền văn hóa Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị với các nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, tình trạng một số báo đăng tải tin bài không đúng tôn chỉ mục đích; đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, doanh nghiệp, địa phương.

Trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử có nhiều thông tin về các vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo hình ảnh xã hội u ám. Một số báo có xu hướng đi sâu khai thác đời tư của văn nghệ sỹ, ca sỹ, đưa nhiều hình ảnh, thông tin trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội.

Bộ trưởng khẳng định: để khắc phục những thiếu sót, hạn chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh hoàn thiện các chế tài quản lý, đồng thời, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng như trách nhiệm của các cơ quan báo chí.

Liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin-viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trả lời một loạt các câu hỏi về các kế hoạch, đề án thúc đẩy sự phát triển của ngành trong những năm tới.

Cụ thể như việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 trong tháng Năm vừa qua, triển khai thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước…

Đặc biệt, với lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng đi sâu giải đáp về vấn đề quản lý thuê bao di động trả trước. Theo đó, Bộ đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, quy định về quản lý thuê bao di động trả trước bao gồm hoạt động đăng ký, lưu giữ, sử dụng các thông tin thuê bao, số thuê bao của cá nhân, người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất trả trước. Thông tư nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nảy sinh từ sim “vô chủ,” bảo vệ nguồn tài nguyên kho số và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Đối với việc quản lý hoạt động của game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực và phát huy tác dụng tích cực của loại hình này.

Theo đó, Bộ tăng cường công tác thẩm định nội dung các trò chơi, đảm bảo các trò chơi có nội dung lành mạnh, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các vi phạm, kể cả việc sử dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế các trò chơi không lành mạnh, phạm pháp, các trò chơi từ nước ngoài…

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người chơi, của các cấp các ngành, đặc biệt là của gia đình và nhà trường trong vấn đề này./.

Việt Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục