Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trước thềm Xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết năm 2022, toàn ngành sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; tiên phong xây dựng tài nguyên số thông quan dữ liệu thông tin địa lý, quan trắc, viễn thám.

Đặc biệt, năm nay, ngành tài nguyên và môi trường sẽ toàn tâm, toàn lực cho công tác sửa đổi Luật Đất đai – đây là Bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp và hết sức sống còn với mỗi người dân, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2022 tới.

Cam kết lịch sử, biến thách thức thành cơ hội

– Thưa Bộ trưởng, năm 2021 là một năm chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu. Nhìn lại kết quả công tác của ngành tài nguyên và môi trường trong năm qua, Bộ trưởng có nhận xét, chia sẻ gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là nước ta vừa trải qua một năm hết sức đặc biệt. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế-xã hội, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động các phương án linh hoạt với quyết tâm cao nhất để thực hiện 3 mục tiêu quan trọng.

Đầu tiên là phòng chống dịch hiệu quả. Thứ hai là rà soát lại các thể chế chính sách để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn cũng như duy trì được các hoạt động sản xuất; đặc biệt là tập trung rà soát các chồng chéo vướng mắc của chính sách cản trở tới việc giải phóng các nguồn lực tài nguyên, đất đai.

Thứ ba là xây dựng các nền tảng cho thập kỷ phát triển bền vững, phát huy được các tiềm lực về tài nguyên, đóng góp cho tăng trưởng dựa trên các hệ sinh thái.

“Trong năm 2021 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, biến thách thức thành cơ hội thông qua việc chuyển đổi số; từng bước thiết lập nền tảng tài nguyên số để phát triển kinh tế số ngành với cơ sở dữ liệu về thông tin địa lý, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, biến thách thức thành cơ hội thông qua việc chuyển đổi số; từng bước thiết lập nền tảng tài nguyên số để phát triển kinh tế số với cơ sở dữ liệu về thông tin địa lý, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai của 216 đơn vị cấp huyện, với 8,63 triệu hồ sơ địa chính điện tử, số hóa thông tin địa chính của 42.984 thửa đất.

Ngoài ra, vấn đề môi trường, khí hậu cũng luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

– Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2021, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia Hội nghị COP26 và đưa ra cam kết mạnh mẽ là hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Xin hỏi Bộ trưởng, tuyên bố mang tính lịch sử này có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta hiện nay và chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để chuyển đổi nền kinh tế xanh trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (COP26) là sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử toàn cầu. Do đó, để tham gia sự kiện này, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Theo đó, tại COP26, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu các sự kiện quan trọng như: Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cam kết giảm phát thải methane toàn cầu; công bố Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

“COP26 là sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử toàn cầu. Do đó, để tham gia sự kiện này, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Điều đó đã thể hiện tầm nhìn thời đại, quyết tâm và cam kết chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Những tuyên bố chính trị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu đồng thời cũng chính là giúp Việt Nam vượt qua thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu hiện nay.

Với ý nghĩa đó, thời gian tới, Việt Nam cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến theo xu thế phát triển xanh.

Đảo ngược xu thế ô nhiễm bằng quản lý tại nguồn

– Cùng với biến đổi khí hậu, một vấn đề khác đang được người dân đặc biệt quan tâm là việc tính phí rác thải theo khối lượng (theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020). Xin hỏi, Bộ trưởng có nhận xét, đánh giá gì về quy định này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Rác thải cũng là một dạng tài nguyên. Vì thế, một trong những vấn đề ưu tiên về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 là cần phải xác lập được vấn đề quản lý chất thải và phải “đảo ngược” được thực trạng hiện nay – đó là tình trạng ô nhiễm các thành phần từ chất thải rắn (nhất là chất thải rắn sinh hoạt), không khí và nước thải.

“Tôi cho rằng muốn làm được việc trên thì phải quản lý ngay tại nguồn.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Tôi cho rằng muốn làm được việc trên thì phải quản lý ngay tại nguồn. Ngoài ra, chất thải rắn sinh hoạt đô thị cần phải được chuyển hóa thành một dạng tài nguyên và năng lượng. Nghĩa là cần thay đổi phương thức chôn lấp rác không hợp vệ sinh sang hình thức phân loại, thu gom các loại chất thải có thể tái chế, tái sử dụng được.

“Một trong những vấn đề ưu tiên về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 là cần phải xác lập được vấn đề quản lý chất thải và phải “đảo ngược” được thực trạng ô nhiễm” Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Đặc biệt, theo quy định mới thì vấn đề rác thải sẽ được quản lý theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm thì phải trả tiền” và “người làm phát sinh rác thì phải chịu trách nhiệm.” Theo tôi, điều này là hoàn toàn phù hợp. Tất nhiên, cách làm thế nào còn phụ thuộc vào sáng kiến của từng địa phương, từng khu phố. Và, đi kèm với quy định trên cũng cần có chế hỗ trợ lại cho người dân. Ví dụ, người dân làm tốt thì được hưởng lợi, người dân làm chưa tốt thì cần có hình thức xử lý.

Quan trọng hơn là việc quản lý rác hiện nay cần phải đồng bộ, ngay từ người phát sinh ra rác (người dân) đến người thu gom, khu vực xử lý rác, nhất là công nghệ phần cuối để đảm bảo rác thải được tái chế tuần hoàn, mang lại giá trị kinh tế.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế; hoặc tham gia hỗ trợ vào quá trình thực hiện tái chế chất thải với Nhà nước và nhân dân thông qua việc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường…

Toàn tâm, toàn lực vào việc sửa đổi Luật Đất đai

– Bên cạnh vấn đề rác thải, biến đổi khí hậu, đất đai (dự án án Luật Đất đai sửa đổi) hiện cũng đang là vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chuẩn bị, đề xuất gì cho việc sửa đổi luật trong năm 2022 này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đất đai là tài nguyên đặc biệt, là lãnh thổ, nơi sinh tồn và phát triển. Đất đai là môi trường và là tài sản, tư liệu sản xuất quan trong liên quan đến vấn đề văn hóa, lịch sử và kinh tế-xã hội của đất nước…Với tầm quan trọng đó, đất đai có ảnh hưởng trực tiếp, hết sức sống còn với mỗi người dân.

Chính vì vậy, chính sách về đất đai luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Và, để sửa đổi Bộ Luật Đất đai với chính sách tác động sâu rộng tới người dân, bao giờ cũng sẽ có công tác tổng kết chính sách pháp luật hết sức căn cơ, toàn diện.

Hiện nay, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đang tiến hành đồng thời việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013 và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các chủ trương, chính sách liên quan đến đất đai. Hai quá trình này đang được thực hiện gấp rút, chặt chẽ, đồng bộ và kỹ lưỡng.

Qua quá trình tổng kết cho thấy nhiều nội dung chính sách về đất đai đã mang lại những thành tựu nhất định. Song, bên cạnh đó, nhiều nội dung cũng đã bộc lộ rõ những tồn tại, yếu kém và các nguyên nhân cụ thể, qua đó đã xác định được các nhóm chính sách có liên quan cần phải tiếp tục thể chế hóa chủ trương cho phù hợp, kỹ lưỡng hơn.

Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 3/2022 tới, Bộ Chính trị sẽ lắng nghe báo cáo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và tháng 5/2022 sẽ nghe những vấn đề mới trong dự thảo Nghị quyết của Trung ương về quản lý đất đai. Cũng trong tháng 5/2022, Quốc hội sẽ họp, cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi.

“Năm 2022 sẽ làm một năm toàn tâm, toàn lực của toàn ngành tài nguyên và môi trường cho công tác sửa đổi Bộ Luật Đất đai” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho các báo cáo trên vẫn đang được thực hiện hết sức khẩn trương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm, có nhiều ý tố tác động nên việc tổng kết, sửa đổi cần phải làm kỹ, cần được Trung ương xem xét và có ý kiến.

Trên tinh thần đó, năm 2022 sẽ làm một năm toàn tâm, toàn lực của toàn ngành tài nguyên và môi trường cho công tác sửa đổi Bộ Luật Đất đai.

– Cũng liên quan đến đất đai, một vấn đề “nóng bỏng” xảy ra trong năm 2021 là tình trạng “sốt” đất ảo tại nhiều địa phương, gây rối thị trường. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường thế nào cũng như có giải pháp gì để hạn chế tình trạng “sốt” đất trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Sốt” đất là một vấn đề cần phải có đánh giá cụ thể, bởi đất đai hiện đang theo hướng cơ chế thị trường. Do đó, giá cả giao dịch trên thị trường có tăng cao thì cũng phải chấp nhận. Tất nhiên, việc đầu cơ, đẩy giá lên cao và nền kinh tế chủ yếu dựa vào đất đai, lợi nhuận bất động sản thì đó cũng không phải là một nền kinh tế lành mạnh, phát triển bền vững.

Vì thế, tôi cho rằng Nhà nước cần phải có các biện pháp để nắm bắt và có thể điều chỉnh được. Trên thực tế, việc giá đất “sốt” lên trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, lý do; trong đó các giao dịch “sốt” lên chủ yếu là từ đất nông nghiệp và đa phần các giao dịch là thực hiện “ngầm,” không đúng quy định pháp luật.

Do vậy, giải pháp quan trọng hiện nay là quản lý đất đai bằng các quy hoạch; rà soát lại các văn bản về đấu giá đất đai, rà soát các văn bản về quản lý ngân hàng dựa trên các tiêu chí đầu tư đất đai, bất động sản cũng như quản lý được các hoạt động giao dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng, an toàn cho nền kinh tế.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Để ngăn chặn tình trạng “sốt” đất, giải pháp quan trọng là cần phải quản lý đất đai bằng các quy hoạch; rà soát lại các văn bản về đấu giá đất đai, rà soát các văn bản về quản lý ngân hàng dựa trên các tiêu chí đầu tư đất đai, bất động sản…

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước) để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

– Qua những chia sẻ trên của Bộ trưởng, có thể thấy năm 2022 dự báo là một năm nhiều cơ hội và có cả không ít thách thức. Vậy, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì để đạt được các mục tiêu đã đặt ra?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2022 với ngành tài nguyên và môi trường là một năm “sẵn sàng cho những thay đổi,” trọng tâm là hoàn thiện về tư duy, chủ trương và thể chế chính sách để tham mưu hiệu quả cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước có liên quan về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước.

Theo đó, trước hết, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 19 về đất đai trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới; Tổng kết Nghị quyết số 24 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với mục tiêu cao nhất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 2022 với ngành tài nguyên và môi trường là một năm “sẵn sàng cho những thay đổi,.

Bên cạnh việc quản lý, sử dụng khai thác tiết kiệm, hiệu của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục xây dựng tạo lập tài nguyên số từ các dữ liệu lớn về đất đai, thông tin địa lý, quan trắc, viễn thám, dữ liệu khí hậu để thực hiện mục tiêu kinh tế hóa tài nguyên, môi trường.

Cùng với đó, ngành sẽ triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung rà soát tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; lập các tổ công tác liên ngành của Trung ương và địa phương xử lý, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; thu hút nguồn lực xã hộ trong xử lý chất thải, rác thải theo mô hình đốt rác, phát điện; tăng cường hợp tác quốc tế nhất là ngoại giao về khí hậu, môi trường, chia sẻ khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường./.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!