Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

111-1592437809-61.jpg

Trước sức ép của rác thải nhựa đối với môi trường sống, sức khỏe con người, ngày 9/6/2019, tại lễ phát động ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể, không tuyên truyền suông, không vận động chay; chủ động kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.”

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về những kết quả nổi bật sau 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa cũng như trăn trở của ông trước lời giải cho những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới.

Chống rác thải nhựa không còn là khẩu hiệu

– Trước tiên, xin Bộ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật sau 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa. Đâu là điểm sáng mà ông tâm đắc nhất?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sau 1 năm phát động, một trong những điểm nổi bật là đây không còn là phong trào, hô hào khẩu hiệu. Phòng chống rác thải nhựa giờ đã lan tỏa, trở thành hành động thống nhất trong các cấp, các ngành đến người dân.

Từ nghị trường Quốc hội mà tiêu biểu là hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với bình đựng nước thủy tinh, thay thế sản phẩm nhựa một lần đến Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các địa phương đều đã tích cực hưởng ứng và thực hiện. Đó là những hành động thực tế như lễ khai giảng không bóng bay từ đề xuất trong thư gửi thầy hiệu trưởng của một bé học sinh lớp 6.

“Khi đi siêu thị, tôi thấy rất nhiều gia đình, các cụ già đến các cháu thiếu nhi đã tự mang theo túi đựng đồ để giảm thiểu sử dụng túi nilon sử dụng một lần” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Vui mừng hơn nữa, khi đi siêu thị, tôi thấy rất nhiều gia đình, các cụ già đến các cháu thiếu nhi đã tự mang theo làn nhựa, túi đựng đồ để giảm thiểu sử dụng túi nilon sử dụng một lần. Nhiều siêu thị, các khu du lịch đã từng bước chuyển sang sử dụng các loại bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường hơn như túi giấy, túi nilon có khả năng phân hủy sinh học hoặc kết hợp sử dụng lá chuối, lá sen, các loại ống hút và cốc thay thế cho các loại cốc nhựa và ống hút dùng một lần.

Qua đó, có thể thấy được sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về rác thải nhựa và các tác hại do rác thải nhựa gây ra.

Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chống rác thải nhựa đại dương; Chỉ thị về tăng cường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Bộ cũng đã trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều quy định mới liên quan đến quản lý chất thải nhựa như phát triển công nghiệp môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải…

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong chống rác thải nhựa, Bộ đã ký kết Bản ghi nhớ với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Bản ghi nhớ hợp tác công tư với một số đối tác tư nhân về xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa theo mô hình hợp tác công tư; hiện Bộ đã thành lập Tổ công tác để triển khai thực hiện các Bản ghi nhớ này.

Tuyên truyền bảo vệ môi trường. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tuyên truyền bảo vệ môi trường. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần quy định trách nhiệm của nhà sản xuất

– Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa ở Việt Nam còn gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bên cạnh những kết quả ban đầu quan trọng, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác chống rác thải nhựa ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, thói quen tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi nilon tiện lợi có giá thành rẻ đã “ăn sâu, bén rễ” trong xã hội chúng ta, khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, các sản phẩm thay thế, có khả năng phân hủy sinh học thường có giá cao hơn nhiều và chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên của số đông người tiêu dùng hiện có thu nhập vẫn còn ở mức trung bình hoặc thấp.

Phần đông người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác thải, các loại rác thải hữu cơ, rác thải nhựa, nilon; vẫn còn để lẫn lộn các loại rác thải dẫn đến khó xử lý, làm mất đi khả năng tái chế, tái sử dụng đối với các sản phẩm túi nilon và sản phẩm nhựa. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm rằng ý thức của nhiều người tiêu dùng chưa cao nên có hiện tượng xả rác thải, bao gồm chai nhựa dùng một lần, túi nilon tại những sự kiện lễ hội, văn hóa, tại các khu du lịch.

Ở Việt Nam cũng chưa hình thành được nền công nghiệp môi trường đủ mạnh để thực hiện tái chế các loại rác thải nhựa và túi nilon theo mô hình kinh tế tuần hoàn như các nước có trình độ phát triển cao hơn… Hiện, chúng ta chưa có quy định về trách nhiệm của các nhà sản xuất, bán lẻ để họ tham gia vào quá trình thu hồi, tái chế các sản phẩm do họ sản xuất, cung cấp.

Ngoài ra, phong trào chống rác thải nhựa tuy đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, nhưng về lâu dài, giảm thiểu tiêu dùng, sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần cần phải trở thành thói quen hàng ngày, thường xuyên của người tiêu dùng, các tổ chức, cơ quan.

 Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
 Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

– Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập, tồn tại này? Và, trong năm tới vấn đề rác thải nhựa sẽ tiếp tục được giải quyết thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Những thách thức kể trên bắt nguồn từ việc pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành của chúng ta chưa quy định rõ ràng trách nhiệm về tái chế, tái sử dụng, đặc biệt là đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon của các bên liên quan, bao gồm: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội.

Chúng ta cũng chưa có các cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, đặc biệt là các ngành công nghiệp tái chế, các ngành dịch vụ sửa chữa, nâng cấp vòng đời sản phẩm để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng theo mô hình tuần hoàn; chưa có các giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức thực sự hiệu quả để việc giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon.

Trong những năm tới, để vượt qua những thách thức nêu trên trong quản lý, xử lý vấn đề rác thải nhựa, chúng ta cần có những giải pháp hiệu quả. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hiện đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến hiện nay đóng vai trò rất quan trọng.

Nhựa không phải kẻ thù

– Hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung nhiều nội dung mới về quản lý chất lượng môi trường, trong đó có chất nguy hại khó phân hủy. Xin hỏi Bộ trưởng, vấn đề quản lý rác thải nhựa sẽ được thế chế vào Luật thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Như đã đề cập ở trên, chúng ta đã nhận diện rõ những thách thức và những nguyên nhân chính. Vì vậy, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nhiều điểm thay đổi mang tính toàn diện, trong đó cả những nội dung quy định sẽ góp phần giải quyết vấn đề chất thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

“Dự thảo Luật làm rõ trách nhiệm và lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ việc phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng các loại chất thải” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan đến phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, bao gồm chất thải nhựa. Trong đó, dự thảo Luật làm rõ trách nhiệm và lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ việc phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng các loại chất thải.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quy định các công cụ kinh tế như: Đặt cọc và hoàn trả bao bì sản phẩm; quy định về nguyên tắc thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường phải bảo đảm được mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng thân thiện với môi trường; quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường, nguồn lực từ tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Thay thế túi nilon sử dụng một lần bằng lá chuối bọc rau xanh. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Thay thế túi nilon sử dụng một lần bằng lá chuối bọc rau xanh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững; phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đây là những tiền đề để thúc đẩy việc kéo dài vòng đời của các sản phẩm nhựa thông qua tái sử dụng, tái chế; làm rõ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Tôi hy vọng rằng với những quy định này, các tổ chức và cộng đồng dân cư sẽ tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua các hành động thiết thực để đây sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, là thói quen hàng ngày của từng người dân và hoạt động thường nhật của các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan.

– Nhiều ý kiến cho rằng “nhựa không có lỗi,” mà lỗi là do cách ứng xử của con người. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nêu trên. Nhựa được coi là một trong những phát minh quan trọng bậc nhất trong thế kỷ 20 (theo thăm dò năm 2014 của Viện Kỹ sư hóa chất-IChemE), nhựa được xếp thứ 6 trong 10 phát minh quan trọng nhất trên toàn cầu, bên cạnh nước uống, xăng, phát điện, vắc-xin, phân bón… Với đặc tính bền chắc, dễ tạo hình, đa công dụng, nhựa trở thành một sản phẩm phổ biến trong đời sống con người hiện đại: từ những sản phẩm tiêu dùng thông thường đến các sản phẩm gia dụng, sản phẩm công nghiệp quan trọng.

Tôi còn nhớ, Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo từng nói tại một diễn dàn: “Chúng ta không nên đối xử với nhựa như là kẻ thù.” Điều đó cho thấy những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, để góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!