Bộ trưởng Xây dựng: Tăng thanh tra nhưng tránh gây khó cho người dân

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định ngành sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Xây dựng: Tăng thanh tra nhưng tránh gây khó cho người dân ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đi đôi với phân cấp, phân quyền phù hợp nhưng phải đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn đối với địa phương, đơn vị, người dân và doanh nghiệp.

Đây là một trong những trọng tâm của ngành xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ trong buổi họp giao ban đầu tiên của tân Bộ trưởng trong nhiệm kỳ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu toàn ngành xây dựng chủ động đổi mới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực liên quan để tăng cường quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt tập trung cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tăng cường phân cấp cho các địa phương.

Theo đó, ngành xây dựng sẽ tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo nhưng đồng thời phải thận trọng, nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị một cách chủ động, có trách nhiệm cao; phải chủ động theo dõi, nắm chặt tình hình mới phát sinh để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý.

[Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị]

Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu toàn ngành phải cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận cũng như thực tiễn.

Ngay trong quý 2, Bộ Xây dựng tổ chức rà soát chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành và chủ động trao đổi, đối chiếu với chức năng nhiệm vụ để phát hiện những nội dung, lĩnh vực còn chồng chéo để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nguyên tắc chức năng nhiệm vụ phải liên tục, thống nhất, không cắt khúc, không bỏ trống.

Bộ Xây dựng tập trung bám sát nội dung Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội để kịp thời cập nhật, ban hành Chương trình hành động của bộ; chủ động rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các chiến lược, chương trình, kế hoạch cần thiết, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Ngành xây dựng tiếp tục xác định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện.

Bên cạnh việc thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu đơn vị chức năng chủ động rà soát, đánh giá tác động thực tiễn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong Ngành để kịp thời đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay thế, bổ sung khi cần thiết.

Các đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo mục tiêu quản lý và phát triển, đối tượng điều tiết cụ thể và có tính kế hoạch, dự báo cho giai đoạn 5 năm sắp tới; trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý không gian ngầm.

Trong quý 2/2021 và thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Đề án đổi mới phương pháp luận về quy hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục triển khai có chất lượng khâu lập, thẩm định, cho ý kiến theo thẩm quyền đối với các Đồ án, Nhiệm vụ đồ án quy hoạch, đặc biệt là các đồ án quy hoạch lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, hướng dẫn quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch theo pháp luật sẽ được tăng cường, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ, điều chỉnh quy hoạch các địa phương. Đồng thời, trong lĩnh vực này ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh số hóa, công khai quy hoạch trên Cổng Thông tin quy hoạch quốc gia; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị; xây dựng mới Luật Quản lý không gian ngầm đô thị; tập trung xây dựng, hoàn thiện Định hướng kiến trúc Việt Nam.

Chiến lược phát triển đô thị mới, Nghị định sửa đổi Nghị định về quản lý phát triển đô thị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị... cũng sẽ được tập trung xây dựng đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Cùng với việc tập trung xây dựng mới Chiến lược Nhà ở quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.

Bộ Xây dựng cũng sẽ hoàn chỉnh, bổ sung Nghị định sửa đổi Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để sớm trình Chính phủ thông qua và thực hiện.

Trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị chức năng không chủ quan mà phải chủ động theo dõi, bám sát, nắm chặt diễn biến và kịp thời đề xuất giải pháp để thị trường phát triển ổn định, bền vững; trong đó, có giải pháp về cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch, tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính…; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản ở các địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục