Bộ trưởng Y tế Đức đề xuất sáng kiến giúp tăng tỷ lệ hiến tạng

Theo đề xuất của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, mọi người đều có thể tự động trở thành người hiến tạng sau khi họ qua đời, nếu họ không phản đối việc này.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn. (Nguồn: Handelsblatt)
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn. (Nguồn: Handelsblatt)

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã đề xuất sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng thiếu nội tạng được hiến tặng, theo đó, mọi người đều có thể tự động trở thành người hiến tạng sau khi họ qua đời, nếu họ không phản đối việc này.

Theo đề xuất mới, mọi công dân Đức sẽ được yêu cầu ra tuyên bố có hay không phản đối việc hiến tạng hoặc mô của mình sau khi bác sỹ thông báo họ bị chết não.

Những người nói "không" với hiến tạng sẽ được điền tên một sổ đăng ký quốc gia của Bộ Y tế, trong khi số còn lại khác sẽ tự động được coi là người có thể hiến cơ quan nội tạng, một nguyên tắc đang được áp dụng tại phần lớn các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).

Tất cả công dân từ 16 tuổi trở lên sẽ được thông báo về hệ thống mới này, trong khi đó sẽ không có hiến tạng từ những người không có khả năng đưa ra quyết định, ví dụ như những người bị tâm thần.

[Lần đầu tiên ghép thận từ người hiến tạng bị nhiễm HIV]

Theo quy định hiện nay tại Đức, những người ký vào thẻ hiến tạng và mang thẻ này trong ví. Nếu họ qua đời, bệnh viện biết rằng họ được phép lấy nội tạng hiến tặng của người này.

Tại Đức, chỉ có khoảng 30% người có thẻ hiến tạng như vậy. Tuy nhiên, thân nhân của người muốn hiến tạng vẫn có thể không cho bác sỹ lấy đi cơ quan nội tạng của người đã mất nếu họ lập luận đầy sức thuyết phục rằng người quá cố sẽ phản đối việc này.

Chuyên gia về chính sách y tế, Karl Lauterbach thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cho biết tại Đức, số người chờ được ghép tạng nhiều hơn gấp 10 lần so với số người đã được ghép tạng.

Năm 2018, có khoảng 9.400 người chờ được ghép tạng trong khi chỉ có 1.000 người được ghép tạng, trong khi có khoảng 2.000 người tử vong mỗi năm mà chưa kịp cấy ghép tạng.

Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mở về các quy định mới này.

Trong khi đó, một nhóm các nghị sỹ Đức đang kêu gọi các cơ quan chức năng thường xuyên hỏi ý nguyện của người dân về vấn đề hiến tạng và đăng ký hiến tạng trực tuyến nhằm đảm bảo rằng họ đưa ra quyết định hiến tạng khi đầu óc còn minh mẫn và tình nguyện chứ không phải do áp lực của nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục