Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống virus Ebola ở TP.HCM

Đến nay, qua cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, TP.HCM đã có 33 trường hợp thực hiện khai báo y tế, trong đó có một người đến từ quốc gia đang có dịch.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống virus Ebola ở TP.HCM ảnh 1Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi diễn tập phòng, chống dịch Ebola tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Chiều 17/8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, một tình huống giả định đặt ra để lực lượng chức năng sẵn sàng ứng phó khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola ở khu vực ga quốc tế đến của Cảng hàng không.

Tình huống giả định được đưa ra là qua máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, kiểm dịch viên y tế phát hiện một hành khách bị sốt. Ngay lập tức, hành khách này sẽ được mời vào kiểm tra y tế, đưa vào khu vực cách lý để khám sàng lọc.

Sau đó người bệnh được chuyển vào hệ thống khử khuẩn lưu động và được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị và cách ly. Trước tình huống giả định này, các đơn vị như Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Viện Pasteur thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, lực lượng y tế cảng vụ cảng hàng không, Công an cửa khẩu, Hải quan…đã có sự phối hợp nhịp nhàng và làm theo đúng quy trình được thống nhất trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cảng hàng không Tân Sơn Nhất là nơi có số lượng khách quốc tế từ châu Phi qua Việt Nam và ngược lại nhiều nhất cả nước.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), Sars…Việc diễn tập này giúp cho các đơn vị chức năng hệ thống lại công tác phòng chống dịch bệnh và có mô hình hành động khi có sự cố dịch bệnh xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, khi có tình huống xấu xảy ra, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Sở Y tế thành phố cần có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến, các Trung tâm Y tế quận huyện gần khu vực cảng hàng Tân Sơn Nhất như quận Tân Bình và Bình Tân phải có khoa cách ly và có kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có thông báo. Đồng thời, các cơ quan này phải phối hợp với các trạm y tế xã, phường theo dõi các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan ở cộng đồng.

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 11/8 vừa qua, trung tâm tiến hành giám sát thân nhiệt của tất cả các hành khách nhập cảnh bằng 2 máy đo nhiệt độ từ xa tại nhà ga quốc tế đến Tân Sơn Nhất (có 2 máy dự phòng).

Đồng thời, Trung tâm thực hiện khai báo y tế đối với hành khách đã đi qua hoặc lưu trú tại 4 quốc gia Tây Phi đang có dịch là Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigieria trong vòng 21 ngày trước đó theo quy định của Bộ Y tế.

Qua giám sát thân nhiệt và khai báo y tế, nếu phát hiện người nghi mắc bệnh, tiếp tục thực hiện cách ly, khám sàng lọc để tìm ra ca bệnh nghi ngờ và tổ chức làm thủ tục nhập cảnh, chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới theo quy trình xử lý.

Đến nay, qua Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã có 33 trường hợp thực hiện khai báo y tế, trong đó có một người đến từ quốc gia đang có dịch. Các trường hợp này đều không có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola và đã cung cấp địa chỉ liên lạc, số điện thoại cho ngành y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục