Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi một số nội dung Luật khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi một số nội dung Luật khám bệnh, chữa bệnh ảnh 1Người dân khám bệnh, lấy máu xét nghiệm tại một cơ sở y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật khám bệnh, chữa bệnh như các khái niệm trong Luật; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh và về an ninh bệnh viện...

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh, diễn ra ngày 12/7, tại Hà Nội.

[Cả nước có hơn 87.800 người mắc bệnh sốt xuất huyết, 6 ca tử vong]

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, trải qua 9 năm thực hiện, Luật đã có những ảnh hưởng quan trọng và giúp lĩnh vực khám chữa bệnh có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo điều kiện để phát triển ổn định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, các kiến nghị đưa ra tại hội nghị là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục