BoE "bình lặng" trước khi diễn ra trưng cầu dân ý tại Anh

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney cho biết ngân hàng sẽ không đưa ra thêm một bình luận nào về những rủi ro mà nước này sẽ đối mặt một khi "Brexit."
BoE "bình lặng" trước khi diễn ra trưng cầu dân ý tại Anh ảnh 1Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho biết ngân hàng sẽ không đưa ra thêm một bình luận nào về những rủi ro mà nước này sẽ đối mặt một khi "Brexit" – kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) xảy ra - trước khi cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sắp diễn ra vào tháng Sáu tới.

Hồi đầu tháng này, BoE đã cảnh báo rằng việc từ bỏ tư cách thành viên của EU sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của nước Anh sụt giảm mạnh và đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, động thái này gây ra phản đối dữ dội từ những người ủng hộ "Brexit" với cáo buộc rằng BoE “nghe theo sự điều khiển của chính phủ”.

Phát biểu trước Nghị viện Anh ngày 24/5, ông Carney nói rằng chín nhà hoạch định chính sách của BoE đã nêu lên những nguy cơ của "Brexit" và những vấn đề kinh tế trọng điểm, và sẽ không thay đổi quan điểm đó trong báo cáo chính sách của tháng sau. Báo cáo chính sách thường kỳ của BoE dự kiến được công bố vào 16/6 – một tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của nước Anh trong EU.

Trước đó, ngày 23/5, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cảnh báo nước này có thể sẽ chìm vào suy thoái trong vòng một năm nếu lựa chọn rời khỏi EU. Bộ trưởng Osborne và Thủ tướng David Cameron, hai người đi đầu trong chiến dịch vận động nước Anh ở lại EU, đã nhấn mạnh đến những rủi ro mà kịch bản “Brexit” có thể gây ra đối với kinh tế nước này như đẩy giá nhà và tiêu chuẩn sống xuống thấp.

Theo Bộ Tài chính Anh quốc, có hai kịch bản hậu “Brexit” đối với nền kinh tế Anh. Trong đó, kịch bản số 1 nhẹ nhàng hơn, khi London có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, sẽ chứng kiến GDP của nước này thấp hơn đến 3,6% so với việc ở lại EU sau hai năm.

Ở chiều ngược lại, tức là kịch bản 2, khi Vương quốc Anh không những rời thị trường chung EU mà còn phải đối mặt với các rào cản thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì con số khác biệt kia sẽ tăng lên 6% thay vì chỉ 3,6%. Đối với cả hai kịch bản, “Brexit” sẽ khiến lạm phát tại nước Anh tăng cao trong khi giá nhà lại xuống thấp hơn khoảng từ 10% (kịch bản 1) đến 18% (kịch bản 2) so với việc ở lại với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục