Bolivia tìm biện pháp dẫn độ thượng nghị sỹ đối lập

Bộ công cộng Bolivia xem xét thủ tục pháp lý dẫn độ TNS Roger Pinto về nước sau khi ông này tẩu thoát khỏi Đại sứ quán Brazil ở La Paz.
Bộ công cộng Bolivia ngày 26/8 cho biết đang xem xét các thủ tục pháp lý nhằm dẫn độ thượng nghị sỹ Roger Pinto về nước sau khi chính trị gia cánh hữu này tẩu thoát khỏi Đại sứ quán Brazil tại La Paz.

Tuyên bố với báo giới, quyền Tổng chưởng lý Bolivia, Roberto Ramírez, cho hay Bộ công cộng đã yêu cầu các cơ quan an ninh Bolivia cung cấp báo cáo về lệnh truy nã quốc tế để phối hợp các hành động nhằm dẫn độ ông Pinto.

Ngày 24/8, ông Roger Pinto đã bí mật rời Đại sứ quán Brazil, nơi ông tá túc từ cách đây 15 tháng, và đã tới Brazil mặc dù không được chính phủ Bolivia cấp giấy thông hành vì bị điều tra tham nhũng và sau đó đã bị kết án tù.

Tháng 6 vừa qua, ông Pinto đã bị tòa tuyên án 1 năm tù vì tội tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Ngoài ra, ông đang bị điều tra vì dính líu tới nhiều vụ án thường phạm khác. Hiện ông Pinto đang bị 2 lệnh bắt giữ.

Mặc dù được chính phủ Brazil cho phép tị nạn chính trị, theo chính phủ Bolivia, ông Pinto là một người bị xét xử bởi các tội thường phạm chứ không phải bị truy bức về chính trị như ông tuyên bố nên không được rời khỏi đất nước. Với vụ tẩu thoát, ông Pinto trở thành “kẻ trốn chạy công lý.”

Theo nguồn tin không chính thức, ông Pinto rời thủ đô La Paz trong một chiếc xe ngoại giao và được một số binh sĩ Brazil tháp tùng trong chuyến đi kéo dài 22 giờ và tới biên giới Brazil rạng sáng ngày 25/8, sau khi vượt qua 5 trạm kiểm soát của cảnh sát Bolivia.

Tại cuộc họp báo tại La Paz, Ngoại trưởng Bolivia, David Choquehuanca, thông báo sẽ trao cho Đại sứ quán Brazil công hàm để bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc đối với việc vi phạm nguyên tắc tương hỗ và xã giao quốc tế” kể trên. Theo ông, vụ việc trên là “nghiêm trọng” vì vi phạm luật pháp Bolivia và pháp luật quốc tế.

Theo Bộ trưởng Choquehuanca, với việc ông Pinto bỏ trốn, Brazil đã vi phạm Công ước liên Mỹ và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Ông cũng chỉ rõ vụ việc có thể trở thành tiền lệ xấu về việc sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để buôn người và vận chuyển trái phép vũ khí và ma túy.

Cùng ngày, Đại sứ Bolivia tại Brasilia, Jerjes Justiniano Talavera, đã yêu cầu Bộ ngoại giao Brazil giải thích vụ việc trên.

Trong khi đó, phát biểu tại Brasilia, Đại biện lâm thời Brazil tại La Paz Eduardo Saboia, người đã được Bộ ngoại giao Brazil triệu hồi để làm rõ vụ việc, công nhận đã tạo điều kiện để ông Pinto rời khỏi Đại sứ quán.

Bộ Ngoại giao Brazil đã bắt đầu điều tra vụ việc sau khi ra thông cáo báo chí cho biết sẽ đưa ra các “biện pháp hành chính và kỷ luật” thích hợp./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục