Hơn 1.500 người chết vì bom mìn sót lại

Bom mìn sót lại làm hơn 1.500 người chết mỗi năm

Trung bình mỗi năm, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng 1.535 người, 2.272 người phải mang thương tật.
Bom mìn sót lại làm hơn 1.500 người chết mỗi năm ảnh 1(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)

Bộ trưởng Lao động–Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trung bình mỗi năm, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của 1.535 người và khiến 2.272 người phải mang thương tật.

Đây là những số liệu được đưa ra tại Hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (IC-VVAF) tổ chức ngày 4/12.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ từ năm 1975 đến nay, có khoảng 6,6 triệu ha đất, trên 21% diện tích đất nước bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển; hơn 40.000 người bị chết, hơn 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra.

Chỉ riêng khảo sát sơ bộ tại 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi) đã có trên 22.760 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.529 người chết, 12.231 người bị thương.

Chính vì những hậu quả nặng nề của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025; Quyết định 2238/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban và mới đây là Quyết định 738/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đến năm 2015.

Mục tiêu của chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục một cách bền vững tác động, hậu quả của bom mìn sau chiến tranh; bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập tốt nhất vào đời sống cộng đồng…

Tại hội thảo, báo cáo về các chương trình trợ giúp nạn nhân bom mìn và kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đến năm 2015 đã được trình bày tại hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cần sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, cả cộng đồng xã hội, cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về hậu quả của bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nâng cao năng lực của các lực lượng rà phá, xử lý bom mìn Việt Nam, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc, vận động tài trợ, xây dựng dự án rà phá bom mìn, dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng...

Các tổ chức quốc tế chuyên về khắc phục hậu quả bom mìn cũng đã tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để trợ giúp nạn nhân bom mìn của Việt Nam tại hội thảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục