Bốn 'bảo bối' mới của Triều Tiên và kế sách của ông Kim Jong-un

Ông Kim Jong-un có nhiều lý do để chế tạo "bảo bối" mới, từ sự bất bình trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, những nỗ lực ngoại giao bấp bênh với Mỹ cho tới mong muốn giữ vững chế độ của mình.
Bốn 'bảo bối' mới của Triều Tiên và kế sách của ông Kim Jong-un ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng thử tên lửa chiến thuật kiểu mới tại một địa điểm ở nước này, ngày 6/8/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng Vox.com đưa tin đã gần 6 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh bất thành ở Việt Nam khi hai bên không thể đạt tiến triển nào về một thỏa thuận hạt nhân vốn có thể để lại một di sản cho nhiệm kỳ tổng thống của nhà lãnh đạo Mỹ.

Những ngày tháng trôi qua kể từ cuộc gặp đó dường như đã gạt mục tiêu đạt được một thỏa thuận hạt nhân ra khỏi tầm với. Ông Kim đã phô diễn không ít hơn 4 vũ khí mới và tối tân kể từ cuộc gặp với ông Trump ở Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Theo các thông cáo báo chí và 5 vụ thử nghiệm tên lửa trong vòng 1 tháng qua, ông Kim đã trình diện 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, một bệ phóng rocket đa nòng và một tàu ngầm vốn có thể bắn hạ tên lửa hạt nhân từ những vị trí ngầm dưới mặt nước.

[Hàn Quốc: Tập trận với Mỹ không phải diễn tập nhằm vào Triều Tiên]

Ông Kim có nhiều lý do để chế tạo "bảo bối" mới, từ sự bất bình trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, những nỗ lực ngoại giao bấp bênh với Mỹ cho tới mong muốn bảo vệ chế độ của mình.

Trong khi đó, ông Trump lại ca ngợi ông Kim vì đã gửi "một bức thư rất tuyệt vời" tới ông hồi tuần trước cho dù liên tiếp thử tên lửa trong vòng 3 tuần qua.

Tốc độ gia tăng các vụ thử và phô diễn những vũ khí mới đồng nghĩa với việc cơ hội để ông Trump đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng đang trượt khỏi tầm tay.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng không ngừng phát triển vũ khí đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Điều này có nghĩa là cho dù ông Trump nói gì thì Triều Tiên đã trở thành một quốc gia ngày càng nguy hiểm hơn rất nhiều kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Chia sẻ với Vox.com, cựu chuyên gia an ninh châu Á thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Lindsey Ford bình luận: “Đây là một lời nhắc nhở có chủ đích rằng nếu con đường ngoại giao thất bại thì Triều Tiên sẽ chỉ mạnh mẽ hơn và có nhiều năng lực hơn so với 4 năm trước."

Hồi năm 2017, chính quyền Kim đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà ít nhất về mặt lý thuyết có thể mang theo bom hạt nhân vươn đến lãnh thổ Mỹ.

Năm 2018, Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử tên lửa sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc được kích hoạt.

Thế nhưng đầu năm 2019, các vụ thử ICBM làm gia tăng lo lắng rằng cánh cửa ngoại giao sẽ khép lại. Bốn loại vũ khí mới mà Triều Tiên phô diễn kể từ tháng Bảy đã chỉ bồi đắp thêm những lo lắng này.

Thứ nhất, tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23

Hồi tháng 5/2019, Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa KN-23, có khả năng bay xa đến khoảng 280 dặm (khoảng 451.000km) và mang theo đầu đạn hạt nhân.

Điều này đặt Hàn Quốc và Nhật Bản vào thế hết sức nguy hiểm do hai nước này nằm trong phạm vi tầm bắn của tên lửa KN-23. Ưu điểm của KN-23 là có tầm bay thấp hơn phần lớn các loại tên lửa đạn đạo và có bộ phận giữ thăng bằng.

Điều này đồng nghĩa với việc KN-23 có khả năng bắn trúng mục tiêu tốt hơn vì nó có thể né tránh các loại tên lửa phòng không khác.

Chuyên gia hạt nhân Vipin Narang thuộc Viện công nghệ Massachusetts nhận định: “Đây là cơn ác mộng đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực.”

Một lợi thế “chết người” khác của KN-23 là nó có thể được phóng từ bệ phóng di động, tức việc dự đoán vị trí và thời điểm mà tên lửa này được bắn ra là gần như không thể thực hiện được.

Ông Kim đã 4 lần thử nghiệm về cung đường bay của loại tên lửa này trong năm 2019 và đều thành công.

Khi đó, không ai có thể bác bỏ rằng Triều Tiên có thể sử dụng loại vũ khí này để tấn công các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thứ hai, tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa hạt nhân

 Hồi tháng Bảy vừa qua, Bình Nhưỡng đã công bố 3 bức hình cho thấy ông Kim đang đứng trước một tàu ngầm đồ sộ đặt bên trong một xưởng đóng tàu.

Giới chuyên gia cho rằng tàu ngầm này đủ lớn để có thể mang theo tên lửa gắn bom hạt nhân, cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên phát lệnh tấn công hạt nhân từ những địa điểm không thể xác định được ở dưới nước.

Mặc dù hình ảnh về các tàu này bị cắt gọt nên không nhìn thấy phần trên cùng của tàu nơi có thể phóng vũ khí, song giới phân tích cho rằng Triều Tiên có thể chỉ quan tâm việc phát triển tàu ngầm nếu nước này đã sở hữu năng lực hạt nhân.

Mặc dù giới chuyên gia tin rằng con tàu được chụp trong ảnh này vẫn chưa được thử nghiệm và trong quá trình xây dựng nhưng điều này cho thấy Triều Tiên đang dần cải thiện năng lực đe dọa Mỹ và các đồng minh của Mỹ từ các vị trí khó có thể bị phát hiện.

Điều này có nghĩa là nếu Mỹ và Triều Tiên vướng mắc vào một cuộc chiến tranh hạt nhân thì rất khó để Washington phá hủy được tàu ngầm của Triều Tiên trước khi tàu này phóng tên lửa hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc thậm chí cả Mỹ.

Thứ ba, hệ thống phóng rocket đa nòng

Cách đây 2 tuần, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm lần thứ 2 một hệ thống phóng rocket đa nòng.

Dường như hệ thống mới này có khả năng phóng các vật thể bay trong phạm vi khoảng 155 dặm vươn đến Hàn Quốc, tức đi xa hơn 37 dặm so với hệ thống phóng cũ. Điều này cho phép Triều Tiên tấn công sâu hơn vào lãnh thổ của Hàn Quốc.

Điều nguy hiểm hơn nữa là những rocket được phóng đi từ hệ thống mới này dường như có bộ phận giữ thăng bằng, tức chúng có thể hoạt động như những tên lửa dẫn đường với độ chính xác khi nhắm đến mục tiêu. Đó là tin tức không hay ho gì đối với các nhà hoạch định chiến tranh ở Seoul và Washington vốn có nhiệm vụ vạch ra chiến lược tấn công Triều Tiên với tổn thất nhỏ nhất.

Bốn 'bảo bối' mới của Triều Tiên và kế sách của ông Kim Jong-un ảnh 2Tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới được Triều Tiên phóng thử tại một địa điểm không xác định ngày 6/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế nhưng, Bình Nhưỡng đã tìm mọi cách che giấu một vài thông số kỹ thuật của hệ thống mới này. Mặc dù vậy, điều rõ ràng là ông Kim đã lặng lẽ nâng cấp hệ thống phóng rocket đến cấp độ có thể tạo ra một sự thay đổi tiềm tàng nếu xảy ra một cuộc chiến do Mỹ và Hàn Quốc phát động.

Thứ tư, tên lửa tầm ngắn chưa được xác định

Hôm 11/8, Triều Tiên thông báo đã thử một loại tên lửa tầm ngắn hoàn toàn mới, biến nó trở thành một loại vật thể bay mới thứ ba được thử nghiệm trong vòng 1 tháng. Không có nhiều thông tin về loại vũ khí mới này, song giới chuyên gia lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Thứ nhất là loại vũ khí mới này có thể được phóng ra từ một bệ phóng di động, khiến đối phương khó có thể lần ra vị trí trước khi nó được phóng ra.

Thứ hai là vũ khí mới này sử dụng nhiên liệu rắn, tức không cần thời gian cung cấp hơi đốt và do đó có thể bốc cháy nhanh hơn.

Thứ ba là nó có thể di chuyển được 250 dặm, tức chỉ kém đôi chút so với tên lửa KN-23.

Giới chuyên gia không rõ vì sao Triều Tiên cần đến 2 loại tên lửa tầm ngắn có chức năng hoạt động gần như nhau. Cho dù là lý do gì thì kết quả cuộc thử nghiệm loại tên lửa tầm ngắn mới này cũng như kết quả các cuộc thử nghiệm khác cho thấy nỗ lực của ông Trump nhằm buộc ông Kim gỡ bỏ kho vũ khí của mình đã thất bại.

Như vậy, với việc phô diễn các loại vũ khí mới này, ông Kim phần nào đó đang muốn thuyết phục ông Trump trao cho Triều Tiên điều mà nước này muốn.

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề liên Triều Mintaro Oba nhận định: “Triều Tiên lâu nay có vị thế thương lượng lớn mạnh hơn.”

Theo chuyên gia này, chiến lược gây sức ép của Bình Nhưỡng gồm câu giờ, nâng cấp công nghệ, đồng thời khai thác những đặc điểm khác biệt trong quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc để vừa củng cố vững chắc chương trình hạt nhân của Triều Tiên vừa tạo ra cảm giác cấp bách đằng sau nhu cầu cần phải ký kết một thỏa thuận nào đó để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Oba lưu ý rằng việc sử dụng hành động gây hấn quanh thời điểm Mỹ-Hàn tập trận chung nhằm gây sức ép với cả Washington và Seoul là một phần kiểm nghiệm sự thật trong kế sách của ông Kim, do đó, điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc biện pháp ngoại giao của ông Trump về vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ thất bại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục