Bốn bất ngờ và bốn thách thức đối với cuộc bầu cử Mỹ 2020

Những diễn biến bất ngờ đã đặt ra 4 thách thức đáng kể cho tân chính quyền bắt đầu nhậm chức vào ngày 20/1/2021, bất kể đó là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay đối thủ của ông, Joe Biden.
Bốn bất ngờ và bốn thách thức đối với cuộc bầu cử Mỹ 2020 ảnh 1Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (ảnh, trái) và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, trong bối cảnh còn chưa đầy 5 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (ngày 3/11/2020), những diễn biến ở Mỹ kể từ tháng 2/2020 đến nay đã mang lại 4 bất ngờ lớn.

Và những diễn biến bất ngờ này đặt ra 4 thách thức đáng kể cho tân chính quyền bắt đầu nhậm chức vào ngày 20/1/2021, bất kể đó là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay đối thủ của ông, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thắng cử.

Bốn bất ngờ

Bất ngờ thứ nhất là chiến thắng rõ ràng của Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nam Carolina hôm 29/2.

Trước đó, khi phải chịu một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa hôm 3/2 và bang New Hempshire hôm 11/2, Biden thực sự đã đối mặt với trở ngại vô cùng lớn và lẽ ra đã rút khỏi cuộc đua giành đề cử chính thức ra tranh cử tổng thống nếu ông thua ở bang Nam Carolina.

Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của nghị sỹ người Mỹ gốc Phi Jim Clyburn và cử tri Mỹ gốc Phi, Biden đã có một màn trở lại kỳ diệu và giành chiến thắng quyết định với 49% số phiếu phổ thông đầu phiếu.

Bất ngờ thứ hai là vào ngày Siêu thứ Ba 3/3, Biden không chỉ giành chiến thắng trong một số cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng ở các bang, mà còn có được sự ủng hộ của nhiều đối thủ trước đây trong đảng Dân chủ của ông, bao gồm Amy Klobuchar, Pete Buttigieg, Mike Bloomberg, Tom Steyer và Beto O'Rourke.

Hầu như không ai nghĩ tới một sự đoàn kết như vậy đằng sau một ứng cử viên ngay từ rất sớm trong mùa bầu cử sơ bộ. Thay vào đó, hầu hết các nhà quan sát đã dự đoán về một đảng bị chia rẽ sâu sắc sẽ tham dự Đại hội toàn quốc của đảng (Dân chủ), theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 16/7 tới, thậm chí là khả năng một đại hội “đàm phán.”

Một lý do khiến đảng Dân chủ đoàn kết đằng sau Biden sớm như vậy là vì nhiều thành viên trong đảng sợ rằng nếu những người ôn hòa tiếp tục tranh đấu nội bộ, Bernie Sanders sẽ giành được đề cử của đảng.

Với Sanders, một người tự mô tả là có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa dân chủ, nếu trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ, cơ hội để Trump tái đắc cử sẽ được cải thiện. Ít nhất đây là bài học mà nhiều đảng viên đảng Dân chủ đã học được từ cuộc bầu cử năm 1972, khi Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon giành chiến thắng áp đảo trước Thượng nghị sỹ George McGocate, và cuộc bầu cử năm 1984, khi Tổng thống Ronald Reagan giành chiến thắng vang dội trước cựu Phó Tổng thống Walter Mondale.

Bất ngờ thứ ba, điều không thể lường trước được ngay cả vào cuối tháng 3/2020, là sự tàn phá của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19).

Mặc dù các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch chết người ở Mỹ trong tương lai gần, nhưng rất ít người dự đoán được mức độ thiệt hại mà virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) sẽ gây ra: gần 2 triệu ca nhiễm và hơn 110.000 ca tử vong tính tới đầu tháng 6 này.

Với hơn 40 triệu việc làm bị mất và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,5% lên gần 15% trong vài tuần, COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới II và thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

[Bầu cử Mỹ 2020: Cơ hội xoay chuyển tình thế của Tổng thống Trump]

Sự kiện thứ tư không phải là một bất ngờ, nhưng hiệu ứng của nó không được dự đoán trước một cách đầy đủ.

Cái chết của George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi, hôm 25/5 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, do bị một cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên cổ trong khi Floyd không có vũ khí và bị còng tay, là “giọt nước tràn ly” thổi bùng căng thẳng chủng tộc đang diễn ra ở Mỹ sau một loạt vụ cảnh sát da trắng giết người da đen không có vũ khí.

Trong vài ngày, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra gần 600 thành phố và thị trấn ở tất cả 50 bang của Mỹ cũng như các quốc gia khác.

Do đó, các vấn đề phân biệt chủng tộc, tư pháp hình sự và bạo lực cảnh sát chống người da màu - đặc biệt là người Mỹ gốc Phi - đã trở thành những vấn đề cấp bách chỉ sau một đêm, đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức.

Bốn thách thức

Bất kể ai giành chiến thắng trong Ngày bầu cử, chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn, có lẽ khó khăn hơn so với bất kỳ chính quyền nào từng phải đối mặt trong gần một thế kỷ qua. Bốn vấn đề chính sẽ đòi hỏi sự phân bổ thời gian, sự chú ý và nguồn lực đặc biệt.

Đầu tiên là làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra. Điều này đòi hỏi phải loại bỏ, hoặc ít nhất là giảm đáng kể, các ca nhiễm và ngăn chặn các ca tử vong do COVID-19.

Bốn bất ngờ và bốn thách thức đối với cuộc bầu cử Mỹ 2020 ảnh 2Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Washington D.C., Mỹ, ngày 6/6/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Điều này đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực để đảm bảo rằng các xét nghiệm đáng tin cậy có thể được cung cấp cho tất cả những ai cần nó. Việc tìm ra một loại vaccine ngừa virus, cũng như các loại thuốc hiệu quả để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, có thể được đẩy nhanh nhờ sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Ngoài ra, các biện pháp cần được thực hiện để đảm bảo sự phòng chống tối đa trước làn sóng thứ hai của dịch bệnh, mà theo dự đoán của một số chuyên gia y tế cộng đồng, có thể tấn công nước Mỹ vào mùa Thu.

Nếu làn sóng thứ hai xảy ra trùng với thời điểm dịch cúm hàng năm, kết quả có thể rất đáng lo ngại, đòi hỏi một đợt bổ sung mới và sớm các bác sỹ, y tá, bệnh viện, máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân. Cuối cùng, những thay đổi sẽ là cần thiết để đảm bảo rằng Mỹ có thể ứng phó hiệu quả hơn với các đại dịch trong tương lai.

Thách thức thứ hai là làm thế nào để tái thiết nền kinh tế từ mức thất nghiệp có thể coi là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Một số ngành, như bán lẻ truyền thống, sẽ khó phục hồi hoàn toàn sau những tổn thất do làn sóng COVID-19 đầu tiên gây ra và sẽ cần phải tạo ra các phương thức bán lẻ mới.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã đề xuất các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ - bao gồm cả giao thông vận tải và, trong trường hợp của đảng Dân chủ, là năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Chính quyền tiếp theo gần như chắc chắn sẽ cần phải khởi động lại và mở rộng các kế hoạch như vậy để giúp kích thích nền kinh tế và tạo ra việc làm mới.

Thách thức lớn thứ ba đối với chính quyền tiếp theo là giải quyết các vấn đề bất bình đẳng chủng tộc, tư pháp hình sự và bạo lực cảnh sát chống người da màu, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi.

Theo Cục điều tra dân số, thu nhập của người Mỹ gốc Phi hầu như chưa bằng 3% so với thu nhập của người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Năm 2018, thu nhập hộ gia đình da màu trung bình là 41.400 USD, so với 70.600 USD của người da trắng.

Khoảng cách giàu nghèo giữa người da đen và người da trắng thậm chí còn lớn hơn khoảng cách thu nhập. Theo Cục Dự trữ Liên bang năm 2017, giá trị ròng trung bình của người Mỹ gốc Phi chỉ bằng 1/10 so với người Mỹ da trắng gốc Tây Ban Nha: 17.600 USD so với 171.000 USD. COVID-19 đã đặc biệt ảnh hưởng đến người da màu.

Người da đen chiếm 13% dân số Mỹ nhưng chiếm tới 25% số ca tử vong do virus Corona. Một yếu tố là số người da đen không có bảo hiểm y tế nhiều hơn so với người da trắng (12,2% so với 7,8% vào năm 2018).

Những vấn đề chủng tộc này gần như chắc chắn sẽ là vấn đề trọng tâm trong các cuộc tranh luận tổng thống giữa Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Biden.

Thách thức lớn thứ tư mà chính quyền tiếp theo phải đối mặt là xác định vai trò của Mỹ trên thế giới. Nếu Trump tái đắc cử, rất có thể ông sẽ tiếp tục chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và tiếp tục rút khỏi các hiệp ước và các tổ chức quốc tế, như ông đã làm với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017 và với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây.

Nếu Biden đắc cử, ông sẽ cố gắng khôi phục cam kết của Mỹ với thế giới và hợp tác toàn cầu để chống làn sóng SARS-CoV-2 mới và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu để tạo việc làm.

Ông cũng sẽ cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển ở trong nước, đồng thời cải thiện khả năng công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Triển vọng

Niels Bohr, nhà vật lý từng đoạt giải Nobel, trong một bài viết năm 1971 đã nhận định “Dự báo là rất khó, đặc biệt là về tương lai.” Điều này đúng khi chúng ta tiếp cận cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Một loạt biến số - bao gồm COVID-19, nền kinh tế, quan hệ chủng tộc và hoạt động đối ngoại - có khả năng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, không chỉ với Nhà Trắng mà còn với cả Thượng viện và Hạ viện.

Kết quả bầu cử có thể không chắc chắn, nhưng điều chắc chắn là bất cứ ai tiếp quản Nhà Trắng từ ngày 20/1/2021 phải sẽ đối mặt với những thách thức rất lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục