'Bổn cũ' khó soạn lại trong cuộc bầu cử ở Thái Lan

Thực tế ngày càng cho thấy cuộc bầu cử sắp tới tại Thái Lan về cơ bản là cuộc đối đầu giữa các chính đảng ủng hộ dân chủ và các lực lượng thân quân đội.
'Bổn cũ' khó soạn lại trong cuộc bầu cử ở Thái Lan ảnh 1Cử tri đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Thái Lan. (Nguồn: Foreign Policy)

Theo trang mạng bangkokpost.com, chỉ còn vài ngày nữa là tới các cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 8 năm của Thái Lan, và cuộc cạnh tranh giữa các chính đảng đang nóng lên khi người ta tìm mọi cách để lôi kéo cử tri về phía mình.

Trong khi chính trường Thái Lan ồn ào với cuộc bầu cử sắp tới thì quy trình lựa chọn 250 thượng nghị sỹ về cơ bản vẫn nằm trong vòng bí mật.

Dư luận gần như không nắm được bất kỳ thông tin gì về tiến trình này, cho dù là danh tính của các ứng cử viên hay những cái tên trong ủy ban có vai trò chọn lựa các ứng cử viên cũng vẫn là một bí ẩn.

Điều duy nhất người ta biết tính đến thời điểm này là danh sách sơ tuyển gồm khoảng 400 ứng cử viên đã được ủy ban bổ nhiệm, do Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon đứng đầu, hoàn tất.

Theo Hiến pháp năm 2017, 250 thượng nghị sỹ cùng với 500 hạ nghị sỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ định thủ tướng tiếp theo.

Nhiều khả năng chính quyền quân sự sẽ công bố danh sách các nghị sỹ đã được chọn lựa trước cuộc bỏ phiếu ngày 24/3 tới. Cũng không khó để dự đoán rằng những cái tên được chọn sẽ là những người mà giới tướng lĩnh “nắm trong lòng bàn tay.”

Phó Thủ tướng Thái Lan nói rằng ông tin chắc quá trình thành lập chính phủ mới sẽ diễn ra “suôn sẻ,” bởi xét cho cùng chế độ này sẽ có sự hậu thuẫn của 250 thượng nghị sỹ được đích thân giới tướng lĩnh “điểm mặt chỉ tên.”

Nhiều người dự đoán các thượng nghị sỹ sẽ ủng hộ Thủ tướng Prayut tiếp tục đảm nhận cương vị của mình. Với những thỏa thuận ngầm và sự minh bạch gần như không có, “công bằng” khó có thể là tính từ mà người ta dùng để miêu tả về những gì diễn ra trên chính trường Thái Lan.

[Vai trò của quân đội trên mặt trận bầu cử Thái Lan]

Với các cơ chế hiện hành, các cử tri không có cách nào để giám sát hay hiểu được mối quan hệ cụ thể giữa các ứng cử viên cũng như những lực lượng “đỡ đầu,” hay nhiều xung đột lợi ích nảy sinh hậu bầu cử.

Việc Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), tên chính thức của chính quyền quân sự tại Thái Lan, quyết định giữ toàn bộ quy trình bổ nhiệm thượng nghị sỹ trong vòng bí mật có thể là do muốn giữ cho các ứng cử viên tránh khỏi áp lực từ dư luận.

Nếu những cái tên được công khai, một số người có thể sẽ buộc phải rút khỏi các vị trí đang nắm giữ.

Người dùng mạng cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm các thông tin về đời tư của những nhân vật này, và tài khoản mạng xã hội của họ thậm chí còn có thể “ngập” trong những bình luận tiêu cực, điều mà nhiều chính trị gia phản đối quân đội từng phải đối mặt.

Việc “nấp” phía sau NCPO thực sự là đặc quyền của những người được chỉ định vào thượng viện, bởi tất cả những gì họ làm là đứng bên lề và chờ đợi cho tới khi thời cơ tới để họ đưa ra quyết định có ảnh hưởng tới tương lai của quốc gia Đông Nam Á này.

Đối lập với đó, các chính trị gia thuộc các lực lượng ủng hộ dân chủ lại đối mặt với hàng loạt trở ngại từ các quy định hạn chế cho tới các cáo buộc phạm tội.

Trên mạng, các chính trị gia ủng hộ dân chủ là nạn nhân của hàng loạt chỉ trích từ những nhóm chuyên phát tán tin giả và các bình luận tiêu cực - phần lớn là vô căn cứ.

Ví dụ, Thanathotn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Tương lai Phía trước (Future Forward), từng bị cáo buộc là một người bài quân chủ cực đoan. Một số bài đăng còn tìm cách "gắn" ông với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, điều mà ông phủ nhận.

Những gì đang diễn ra là thực tế từng diễn ra tại quốc gia này, là “mánh khóe cũ” mà các nhóm bảo thủ từng tận dụng để thay đổi hiện trạng.

Nhiều tài khoản Facebook của những “người chỉ trích” này chỉ mới được tạo gần đây, và chúng không hề có dấu hiệu của những người bình thường hoạt động trên mạng xã hội, chẳng hạn như các bài đăng hay các tương tác cụ thể, điều khiến người ta đặt dấu hỏi rằng liệu có phải các tài khoản này được lập nên chỉ vì mục đích chính trị hay không.

Đảng Pheu Thai luôn là đối tượng của các chỉ trích gay gắt trên mạng. Một số người dùng mạng vẫn chia sẻ các đoạn băng ghi lại làn sóng biểu tình “Áo Đỏ” năm 2010 để “nhắc nhở” dư luận rằng chính đảng này phải chịu trách nhiệm về bất ổn.

Khunying Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo chủ chốt của Pheu Thai, từng không ít lần nhấn mạnh với các cử tri rằng Pheu Thai dưới sự lãnh đạo của bà đã thay đổi.

Thực tế ngày càng cho thấy xung đột chính trị sẽ không còn chỉ dừng lại ở mâu thuẫn giữa những lực lượng ủng hộ và phản đối Thaksin, và cuộc bầu cử sắp tới về cơ bản là cuộc đối đầu giữa các chính đảng ủng hộ dân chủ và các lực lượng thân quân đội.

Những người tận dụng chiến thuật thiếu minh bạch sẽ sớm phải thất vọng bởi nhiều cử tri lần đầu đi bỏ phiếu, những người hoàn toàn nhận thức được việc các ứng cử viên dân chủ bị xúc phạm trên mạng xã hội, đã nói rõ rằng họ sẽ đi bỏ phiếu bởi họ không thể chịu đựng được những chiêu trò chính trị “bẩn” mà các chính trị gia dùng để nhằm vào đối thủ.

Điều này có thể dẫn tới kết quả là số lượng cử tri lần đầu đi bỏ phiếu sắp tới sẽ ở mức cao, và đây là điều mà giới lãnh đạo quân đội khó có thể phớt lờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục