Bốn lý do khiến Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump đã khởi động chiến dịch tái tranh cử với thông điệp trong năm 2020 là: “Tôi đã làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, giờ đây hãy bầu cho tôi để tôi giữ nước Mỹ vĩ đại.”
Bốn lý do khiến Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống tại Orlando, Florida, Mỹ ngày 18/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, Tổng thống Donald Trump đã khởi động chiến dịch tái tranh cử với cuộc tập hợp kinh điển ở Orlando, Florida.

Đây là “cuộc tập hợp ấn tượng nhất” mà ở đó ông cáo buộc đảng Dân chủ làm xói mòn nền dân chủ (qua việc tìm cách luận tội ông), bàn về nhiều mối đe dọa với đất nước, và thậm chí chỉ trích đối thủ cũ Hillary Clinton.

Nói ngắn gọn, thông điệp của Trump trong năm 2020 là: “Tôi đã làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, giờ đây hãy bầu cho tôi để tôi giữ nước Mỹ vĩ đại.”

Đảng Dân chủ sẽ cho rằng bài phát biểu đó thiếu vắng ý tưởng và chỉ nhằm reo rắc sợ hãi, trong khi nhắc tới kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tất cả ứng cử viên hàng đầu đều đánh bại Trump vào năm 2020, thậm chí với khoảng cách lớn.

Họ tin rằng Tổng thống đang bị suy yếu với một loạt vấn đề, bao gồm báo cáo của Mueller, hành động đối xử với người nhập cư ở biên giới phía Nam và một loạt bê bối liên quan tới các thành viên chính trong nội các.

Bất chấp kinh nghiệm “đau thương” năm 2016, nhiều thành viên đảng Dân chủ vẫn chưa rút ra bài học chính của nền dân chủ Mỹ: việc giành thắng cử không phải nhờ các nhóm cử tri “đa số bị động” mà nhờ các cộng đồng thiểu số được huy động.

Và mặc dù nhóm “đa số bị động” đứng về đảng Dân chủ, hay ít nhất không đứng về phía Trump, nhưng nhóm thiểu số được huy động lại hành động ngược lại.

Dưới đây là (ít nhất) 4 lý do tại sao vào thời điểm nay, Trump đang tiến gần tới nhiệm kỳ thứ 2.

Lý do đầu tiên là bởi tình hình kinh tế hiện nay. Mặc dù chúng ta có thể tranh cãi về sức tăng trưởng kinh tế thực sự hiện nay ra sao, nhưng không thể phủ nhận rằng nếu xét tới các chỉ dấu kinh tế truyền thống, thì tình hình kinh tế Mỹ đang vô cùng khởi sắc.

Bởi vậy, các mô hình dự đoán bầu cử dựa trên các chỉ dấu kinh tế (vốn dự báo chính xác kết quả bầu cử năm 2016), đang dự đoán Trump sẽ giành chiến thắng lừng lẫy vào năm 2020.

[Vũ khí bí mật của Tổng thống Donald Trump cho cuộc bầu cử 2020]

Thứ hai, đến nay, Trump đã thực hiện hứa hẹn với nhóm cử tri cơ sở phi truyền thống. Các thành viên đảng Cộng hòa “ôn hòa” không phải người hâm hộ Trump, bởi coi ông là người quá ngang ngạnh và thô tục, nhưng lại nhận được thứ mà họ muốn: cắt giảm thuế. Bởi lo sợ “sự phản ứng xã hội chủ nghĩa” trong đảng Dân chủ, họ sẽ đứng ra bảo vệ các lợi ích mới của mình bằng cách bỏ phiếu cho Trump.

Tương tự, quyền của Cơ đốc giáo sẽ một lần nữa được củng cố. Ông đã bổ nhiệm 2 thẩm phán cực kỳ bảo thủ với quan điểm phản đối nạo phá thai - Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh - vào tòa án tối cao, và hứa hẹn sẽ bổ nhiệm thêm nhiều nhân vật bảo thủ khác.

Với khả năng (ít nhất) một vị trí khác bị khuyết trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, việc vận động cho quyền của người Cơ đốc giáo sẽ trở lại “vòng quay.”

Cuối cùng là những người ủng hộ Trump thực sự - các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động “cổ xanh” trung lưu, những người muốn “xây dựng bức tường (chủ nghĩa bài nhập cư) và “tháo nước đầm lầy” (chủ nghĩa dân túy). Đến nay, họ chưa thực sự nhận được những gì mong muốn. Đầm lầy vẫn chưa được “tháo nước” - thay vào đó nó được mở rộng bởi các quan chức tham nhũng mà Trump bổ nhiệm trong khi bức tường vẫn chỉ là hàng rào đang xây dở.

Tuy nhiên, họ không hề bị Trump bội phản. Ông có thể khẳng định rằng ông đã làm mọi thứ có thể để giữ vấn đề “bức tường” trong chương trình nghị sự chính trị và thúc đẩy chương trình nghị sự phản đối nhập cư. Ông sẽ biện minh rằng ông đã bị “phá hoại” bởi hành vi cấu kết trong chính phủ và các cánh tay phải tham nhũng trong Quốc hội (bao gồm các nghị sĩ Cộng hòa “yếu kém”). Do vậy, ông cần nhiệm kỳ hai để chống lại sự kháng cự cuối cùng để ông có thể thực hiện các hứa hẹn.

Thứ ba, trái ngược với nhóm thiểu số được huy động là đa số người dân Mỹ không hài lòng với Trump, phần lớn lại không cảm thấy hứng thú với đảng Dân chủ. Họ coi đảng Dân chủ không có tiểu sử rõ ràng, bị chia rẽ với hơn 20 ứng cử viên hàng đầu và bất đồng nhiều hơn nhất trí về các vấn đề. Hơn nữa, trong bối cảnh còn 500 ngày nữa tới cuộc bầu cử, các thành viên đảng Dân chủ đang quay lưng lại lẫn nhau.

Lý do cuối cùng đó là Tổng thống Trump sẵn sàng tái đắc cử. Ông Trump đã tiến hành chiến dịch tranh cử xuất sắc trong năm 2016 - rõ ràng hơn hẳn bà Clinton. Kể từ khi nhậm chức, ông đã tiến hành “chiến dịch tranh cử tổng thống lâu dài” và nhận được thêm nhiều ủng hộ tài chính trong thời gian gần đây.

Chiến dịch này đã thu hút hàng chục tỷ USD, bao gồm từ các nhà tài trợ chính của đảng Cộng hòa từng phản đối ông hồi năm 2016. Ông có thể là nhân vật không được ưa thích trong lịch sử, nhưng ông có đủ tín nhiệm để được tái đắc cử.

Những người ủng hộ ông có tổ chức và cảm nhận được sự cấp bách - hai điều này đảng Dân chủ không có. Và đảng Dân chủ chỉ còn 500 ngày để cùng nhau tạo ra hai điều đó, thay vì chia rẽ nội bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục