Bốn lý do khiến Fed có thể quyết định tăng lãi suất trong tháng 9

Thị trường việc làm ổn định, Fed muốn ngăn "bong bóng đầu cơ," thắt chặt tiền tệ và muốn giữ uy tín, là 4 lý do khiến Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 9 theo phân tích của báo chí Pháp.
Bốn lý do khiến Fed có thể quyết định tăng lãi suất trong tháng 9 ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo chí Pháp mấy ngày qua đã phân tích "những lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ra quyết định tăng lãi suất cơ bản trong tháng Chín," theo đó, nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất sau cuộc họp thường kỳ ngày 16-17/9.

Có 4 lý do có thể thúc đẩy Fed quyết định tăng lãi suất cơ bản trong năm nay.

Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed đã bước sang năm thứ 7, và Fed đã hoàn thành nhiệm vụ "kép" của mình khi giữ nước Mỹ có một tỷ lệ thất nghiệp ở mức lý tưởng (5,1%) và thị trường việc làm tại Mỹ đang trong thời kỳ khá ổn định.

Mỹ đang có giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục kể từ năm 1945 với hơn 16 tháng liên tục. Fed cũng đã gần như đạt được mục tiêu về lạm phát khi lạm phát (không kể dầu mỏ và năng lượng) là 1,8%, rất gần mục tiêu 2%. Với tình hình như vậy, Fed hoàn toàn "rảnh tay" trong việc ra quyết định chiến lược về chính sách tiền tệ.

Thứ hai, Fed nhận thức được nguy cơ tạo ra "bong bóng đầu cơ." Mặc dù việc phòng chống sự hình thành của "bong bóng đầu cơ" không phải nhiệm vụ chính thức của Fed nhưng đây cũng là một mối quan tâm khi Fed có nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho nền kinh tế.

Trong lý thuyết kinh tế kinh điển từ đầu thế kỷ 20, các ngân hàng trung ương cũng có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo thị trường bất động sản, thị trường tài chính để giữ cân bằng bức tranh kinh tế và cái nhìn đầy đủ về tỷ lệ lạm phát thực tế.

Các "bong bóng đầu cơ" gần đây trên thị trường chứng khoán và bất động sản tại một số nước công nghiệp phát triển khẳng định sự cần thiết này.

Tại Mỹ hiện nay đã xuất hiện một số biểu hiện thái quá có thể dẫn đến khủng hoảng tương tự như năm 2007 như nhiều mã chứng khoán tăng trưởng mạnh mà không liên quan các chỉ số kinh tế của công ty; và một lần nữa người mua có thể vay vốn tới 97% giá trị bất động sản. Vì thế, một chính sách tiền tệ kinh điển đang là yêu cầu đem lại lợi thế đầu tiên/cơ bản về giá trị thực sự của đồng tiền.

Thứ ba, các điều kiện tín dụng vẫn sẽ được áp dụng linh hoạt. Mặc dù khó có thể có một sự phối hợp về chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn nhưng trên thực tế vẫn có một số hình thức hợp tác.

Trong trường hợp Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất trong tháng Chín, dòng tiền bằng USD trên toàn cầu sẽ tiếp tục chảy về Mỹ. Vì thế, Fed sẽ thực hiện việc thắt chặt tiền tệ từng bước với liều lượng nhỏ, lần đầu có thể chỉ tăng 25 điểm phần trăm (0,25%).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện gói nới lỏng định lượng QE nên không thể tăng lãi suất ít nhất trước khi kết thúc năm 2016. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế theo kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe.

Thứ tư là đảm bảo độ tin cậy của Fed. Dư luận về việc Fed tăng lãi suất vào tháng Chín đã đạt được một sự đồng thuận từ nhiều tháng và thậm chí đã dẫn đến một việc tập trung đầu tư vào các tài sản bằng đồng USD. Sự trì hoãn của Fed có thể gây tác hại cho uy tín và chiến lược của mình.

Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ tuyên bố "bỏ neo" giá đồng franc Thụy Sĩ hồi đầu năm 2015 đã khiến sự tín nhiệm đối với Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Việc trì hoãn tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng Chín sẽ làm mờ đi thông điệp của Fed thời gian qua.

Trong trường hợp ngược lại, Fed có thể lấy lý do tình hình bất ổn tài chính, kinh tế, chứng khoán Trung Quốc.

Nếu không ra quyết định tăng vào tháng Chín, Fed sẽ rất khó có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất vào cuối năm do đã chuẩn bị đến mùa nghỉ Đông và đón Giáng sinh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng khó giải thích cho thị trường về sự thay đổi trong trong chiến lược của mình và uy tín sẽ bị giảm sút.

Nếu kịch bản Fed ra quyết định tăng lãi suất vào tháng Chín xảy ra, chỉ số đánh giá đồng USD (USD Index) sẽ gia tăng đáng kể, có thể tăng vài phần trăm, đồng nghĩa với các loại hàng hóa niêm yết bằng đồng USD sẽ giảm giá tương ứng, trong đó có vàng.

Trong lịch sử, sau quyết định tăng lãi suất gần nhất của Fed năm 2004, chỉ số USD Index đã tăng 2,29% và vàng giảm 3,35% trong một tháng sau đó dù thị trường đã dự đoán trước về quyết định này.

Với đồng euro, về nguyên tắc cũng sẽ giảm giá trong tương quan với USD nhưng khó xảy ra trong ngắn hạn do khu vực đồng euro đang có thặng dư cán cân thương mại.

Ngoài ra, ECB cũng chưa rõ ràng trong việc thực hiện chính sách làm yếu đồng euro. Vì thế, tỷ giá giao dịch euro/USD sẽ dao động tương đối ổn định quanh mốc 1,1 hiện nay./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục