Bốn tác động từ vụ Hồ sơ Pandora đối với “lục địa đen”

Cuộc điều tra của Hồ sơ Pandora liên quan đến 53 nhà báo châu Phi từ các phương tiện truyền thông độc lập làm việc tại 18 quốc gia, đôi khi những nhà báo này phải đối mặt với rủi ro cá nhân lớn.
Bốn tác động từ vụ Hồ sơ Pandora đối với “lục địa đen” ảnh 1Người dân địa phương đọc báo buổi sáng ở Nairobi, Kenya, ngày 5/10 vừa qua. (Nguồn: AP)

Trang theafricareport.com ngày 14/10 đăng bài phân tích về tác động của vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora đối với khu vực châu Phi.

Nội dung bài như sau:

Hồ sơ Pandora, nỗ lực điều tra tham vọng nhất nhằm làm sáng tỏ những bí mật của thế giới tài chính, là một kỳ tích đầy kinh ngạc của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Nhắc đến hồ sơ này, người ta nhớ đến những con số khổng lồ 11,9 triệu hồ sơ từ 14 công ty dịch vụ nước ngoài hàng đầu, được hơn 600 nhà báo nghiên cứu từ 150 ấn phẩm.

Giờ đây, có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn và đã được kiểm chứng thực tế liên quan đến 35 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, cũng như cựu nguyên thủ quốc gia và hơn 330 chính trị gia trên toàn thế giới.

Hồ sơ Pandora cho thế giới một cái nhìn chưa từng có về việc giới tinh hoa toàn cầu sử dụng các cấu trúc tài chính, thể chế nước ngoài và kỹ thuật vốn để đảm bảo sự bí mật, bảo vệ tài sản và miễn thuế.

Cơ sở hạ tầng đó trải rộng toàn cầu. Hệ thống này bao gồm các "thiên đường thuế" như Panama, Monaco, Thụy Sỹ và nhiều lãnh thổ hải ngoại của Anh và đã gây ra dư luận xấu, nhiều khu vực thuộc thẩm quyền tài phán “trong nước,” chẳng hạn như Mỹ, bị phơi bày là các nhà cung cấp lớn các dịch vụ ra nước ngoài và các trung tâm tài chính châu Á như Dubai, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).

Những người ủng hộ tài chính/tài sản ngoài nước từ lâu đã lập luận rằng vấn đề là việc sử dụng sai mục đích của các nguồn này. Tuy nhiên, Hồ sơ Pandora cho thấy rằng những thực tiễn đó không phải là sự vi phạm nhằm vào hệ thống, mà chính là hệ thống đó.

Mối quan hệ của châu Phi với Hồ sơ Pandora là một thành phần không nhỏ trong câu chuyện toàn cầu này. Cuộc điều tra của Hồ sơ Pandora liên quan đến 53 nhà báo châu Phi từ các phương tiện truyền thông độc lập làm việc tại 18 quốc gia, đôi khi những nhà báo này phải đối mặt với rủi ro cá nhân lớn.

[Hồ sơ Pandora: Tiết lộ cách người giàu chọn mặt gửi vàng]

Những tiết lộ của Hồ sơ Pandora, vốn được đánh giá với rất nhiều chi tiết và có ý nghĩa chính trị để giải quyết cụ thể, cho thấy hàng chục chính trị gia châu Phi, doanh nhân và gia đình của họ có tài sản đáng kể ở nước ngoài.

Những người này bao gồm các nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Congo, Gabon và Kenya. Cuộc điều tra về đế chế ở nước ngoài của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho thấy nhiều lợi ích, bao gồm các công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, việc sử dụng một ngân hàng tư nhân của Thụy Sỹ để giao dịch và một quỹ có trụ sở tại Panama.

Trốn thuế dường như chỉ là một động cơ thứ yếu, bởi những người giàu và quyền lực ở nhiều nước châu Phi ít phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan thuế. Đối với nhiều người trong số các cá nhân và gia đình kể trên, đó là mong muốn được giữ bí mật, bảo vệ tài sản và bảo vệ khỏi các cuộc điều tra hình sự.

Những tiết lộ đó không gây sốc. Nhiều người trong số các chính trị gia này được đồn đại là nắm giữ tài sản ở nước ngoài và điều đó được người dân trong nước coi là đương nhiên.

Một số trường hợp, như Tổng thống Denis Sassou-Nguesso (Cộng hòa Congo), gần đây đã trở thành chủ đề của các cuộc điều tra buộc tội. Nghiên cứu khác đã chỉ ra mối tương quan giữa dòng vốn viện trợ và dòng vốn chảy ra, cũng như thiệt hại kinh tế do dòng vốn chảy ra khỏi châu Phi.

Tuy nhiên, bằng chứng xác thực cho thấy những điều khác với tin đồn và suy đoán. Hồ sơ Pandora, cùng với những vụ rò rỉ lớn khác kể từ Hồ sơ Panama của ICIJ vào năm 2016, đã phác họa chi tiết các cơ chế được thiết kế để bòn rút và che giấu sự giàu có của một số cá nhân châu Phi.

Bốn bài học của châu Phi

Chúng ta có thể rút ra ít nhất 4 bài học cho châu Phi từ Hồ sơ Pandora.

Thứ nhất, châu Phi không là ngoại lệ trong xu hướng toàn cầu này. Châu Phi hiện đã hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đây là một môi trường tiêu cực đối với sự phát triển của châu Phi, khi nguồn vốn rất cần thiết của lục địa bị hấp thụ bởi các yếu tố khác của kinh tế toàn cầu - điều này cho thấy toàn cầu hóa tài chính, ở mức độ nào đó, đã bỏ qua châu lục này.

Thứ hai, vai trò của những người hỗ trợ chuyên nghiệp có uy tín trong các trung tâm tài chính lớn đóng vai trò then chốt. Những diễn biến nêu tại Hồ sơ Pandora không thể xảy ra nếu không có "đội quân" gồm các đại lý bất động sản, kế toán, quản lý tài sản, giám đốc điều hành các công ty, tư vấn quản lý, nhà điều hành PR và luật sư, cũng như các chính trị gia - những người thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi mà trong đó họ được miễn trừ.

Bốn tác động từ vụ Hồ sơ Pandora đối với “lục địa đen” ảnh 2(Nguồn: AFP)

Các nhà cung cấp dịch vụ này cung cấp cho “Những cá nhân châu Phi có liên hệ với chính trị” (PEP) các chiến lược ở nước ngoài đã được thử nghiệm, kiểm chứng và sẵn có dành cho cơ sở khách hàng trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Thứ ba, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi là tác nhân trong quá trình này, ngay cả khi người dân trong nước trở thành nạn nhân. Đẳng cấp, địa vị của những người châu Phi có quyền lực cao được nêu trong Hồ sơ Pandora có ý nghĩa rất quan trọng. Mối quan hệ giữa những cá nhân này với các nhà cung cấp dịch vụ vốn cho phép rửa tiền mang lại cơ hội hợp tác. Các yếu tố nước ngoài mang lại lợi ích cho những người giàu có và quyền lực trên toàn cầu cho dù họ đến từ đâu.

Thứ tư, sự thiếu vắng dễ nhận thấy là châu Phi cũng thuộc “thế giới nước ngoài,” nhưng ngoài Mauritius, Seychelles và một số trường hợp ngoại lệ khác, phần còn lại của lục địa không thuộc thế giới đó. Các quốc gia châu Phi được coi là có nhiều căng thẳng về chính trị, trong khi các ngân hàng và tòa án rất không đáng tin cậy để cung cấp sự chắc chắn như kỳ vọng từ các trung tâm tài chính nước ngoài.

Hậu quả là, người nước ngoài giàu có không muốn giấu tiền của họ ở châu Phi, và những người châu Phi giàu có hầu hết muốn mang tiền của họ ra nước ngoài. Điều này có nghĩa là châu Phi gánh chịu tất cả các hệ lụy từ nền kinh tế nước ngoài toàn cầu mà không có bất kỳ lợi ích nào.

Tác động của Hồ sơ Pandora?

Có lẽ Hồ sơ Pandora sẽ ít khả năng gây ra hậu quả tức thì cho nền chính trị trong nước của hầu hết các quốc gia châu Phi.

Các nhà lãnh đạo thường kiểm soát tòa án và các phương tiện truyền thông chính thống, đồng thời trong hầu hết các trường hợp sẽ cho rằng việc nắm giữ tài khoản hoặc tài sản ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp.

Sự hoài nghi phổ biến về việc lãnh đạo có tinh thần công khai ở mức độ nào cũng có thể dẫn đến sự thờ ơ về những tiết lộ như vậy. Tuy nhiên, những điều này có thể làm mất đi nhiều hơn tính hợp pháp của hiện trạng, đặc biệt là trong mắt các thế hệ trẻ.

Tại các trung tâm tài chính phương Tây, người ta hy vọng rằng Hồ sơ Pandora sẽ không chỉ làm tổn hại danh tiếng của những người đã bị đưa ra ánh sáng mà còn có thể mang lại sự thay đổi quy định nhằm tác động đến những người hỗ trợ/môi giới. Những người này phải chịu trách nhiệm pháp lý về vai trò không thể thiếu của họ trong việc thúc đẩy lợi ích liên quan đến cất giấu tài sản và trốn thuế toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ, cơ sở hạ tầng thiết yếu để thực hiện những điều đó ở nước ngoài đã bám rễ tại phương Tây. Điều này bao gồm các nhà tài trợ như Mỹ và Anh.

Trong bối cảnh đó, cải cách ở các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình này vẫn sẽ để lại những lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính quốc tế nếu không có sự chuyển đổi thực sự mang tính hệ thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục