Bốn thập niên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô

Sau bốn thập niên bước ra khỏi chiến tranh, hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô phục hồi và phát triển, từng bước tiến tới diện mạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Bốn thập niên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô ảnh 1Đường vành đai 3 Hà Nội, tuyến cao tốc đô thị trên cao đầu tiên của cả nước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Năm 2015 đánh dấu cột mốc thứ 40 kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là bốn thập niên hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô bước ra khỏi chiến tranh, phục hồi và phát triển, từng bước tiến tới diện mạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Những cung đường huyết mạch

Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, Hà Nội và miền Bắc dốc sức trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hạ tầng cơ sở và hệ thống giao thông vận tải được đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển.

Nhiệm vụ lớn nhất của ngành giao thông vận tải trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông đã bị phá hỏng trong kháng chiến chống Pháp để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong vòng một thập niên, hệ thống giao thông của miền Bắc, nổi bật là tuyến đường sắt bắt đầu từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố phía Bắc đã được xây dựng và khôi phục lại với những tuyến đường chính là Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn. Những tuyến đường này đã có vai trò quan trọng phục vụ đi lại, khôi phục kinh tế miền Bắc thời kỳ đó và còn phát huy tác dụng đến bây giờ.

Một tuyến đường sắt khác được xây dựng là Hà Nội-Thái Nguyên cũng hoàn thành trong giai đoạn này.

Tại Hà Nội, những con phố mới, cây cầu mới cùng những tuyến đường mới có tính huyết mạch cũng đã được mở mang xây dựng vừa bằng sức dân, vừa có sự đầu tư của Nhà nước. Nổi bật là những công trình như sân bay Nội Bài (trước đây gọi là Đa Phúc).

Nhiều cán bộ ngành giao thông vận tải thời kỳ đó nhớ lại đều bảo rằng, thời kỳ này Hà Nội đã hình thành một mạng lưới giao thông tuy không hiện đại nhưng bước đầu phục vụ tốt nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng mới.

Bị tàn phá bởi mưa bom, bão đạn

Thế nhưng “Chiến dịch sấm rền” do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam và sau đó là những năm tháng mưa bom bão đạn với đỉnh điểm là cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc với dụng ý “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá” đã phá hủy hầu như toàn bộ hệ thống giao thông của Thủ đô.

Lịch sử còn ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ: Cuộc tập kích của không quân Mỹ diễn ra liên tục trong ngày với trọng tâm là các cuộc ném bom B-52 vào ban đêm. Một lực lượng lớn máy bay B-52, mỗi chiếc mang tối đa 66 quả bom 750 pound (340kg) hoặc 108 quả bom 500 pound (227kg) thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt hàng đêm tại Hà Nội và Hải Phòng.

Còn ban ngày, các máy bay chiến thuật thay nhau liên tục đánh phá ác liệt các sân bay của không quân tiêm kích Bắc Việt Nam, các trận địa tên lửa và các trạm radar phòng không.

Để tránh né hệ thống phòng không miền Bắc, Hoa Kỳ đã dùng một biện pháp cực đoan, dùng máy bay B-52 bay ở độ cao lớn, rải thảm bom hủy diệt không chính xác vào một loạt khu vực dân cư ở các thành phố lớn để đánh vào ý chí của dân chúng và đã gây thương vong lớn cho dân cư. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại miền Bắc Việt Nam là rất nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng bị tàn phá, các nhà xưởng, nhà máy điện và các khu dân cư trở thành đống gạch vụn.

Ở Hà Nội, riêng tại phố Khâm Thiên bom trải thảm đã phá sập cả dãy phố, sát hại 287 dân thường, làm bị thương 290 người, 178 đứa trẻ trở thành mồ côi, trong đó có 66 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam đã bị phá hủy hoàn toàn cùng với các bệnh nhân và bác sỹ, y tá bên trong. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2.200 người; trong đó con số tại Hà Nội được thống kê là 1.318 người.

Chiến dịch này đã phá hoại nặng nề nhiều cơ sở vật chất, kinh tế, giao thông, công nghiệp và quân sự ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.

Lớn lên cùng năm tháng

40 năm sau ngày thống nhất đất nước, từ hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội xưa với những khu phố cổ, đường phố “bàn cờ,” phương tiện mắc cửi, hạ tầng của Thủ đô lớn dần, trưởng thành theo năm tháng.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết từ nay đến năm 2020 Hà Nội tập trung cao độ để giải các bài toán giảm tải ách tắc giao thông nội đô bằng hệ thống đường vành đai, đường sắt trên cao, cầu vượt nhẹ và chú trọng vận tải hành khách công cộng.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư hệ thống giao thông kết nối với vùng vành đai, với các tỉnh, thành phố để thông thương về hàng hóa, đi lại thuận tiện cho nhân dân.

Hiện Thủ đô Hà Nội có mật độ dân cư cao, nơi tập trung đông các cơ quan Trung ương, các trung tâm văn hóa, thương mại, là đầu mối giao thông của cả nước nên giao thông Hà Nội càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Với tầm quan trọng đó, Thủ đô Hà Nội đã ưu tiên nguồn ngân sách cho việc phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nhất là các nút giao thông trọng yếu; đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tích cực, giảm dần và tiến tới chấm dứt hiện tượng ách tắc trên địa bàn thành phố. Hàng năm, lần lượt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông được triển khai, nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết với sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, diện mạo giao thông Thủ đô đã có những thay đổi nhanh chóng. Hiện hệ thống giao thông Thủ đô đã mở mang thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với tổng số khoảng 7.300km đường giao thông; trong đó 20% là trục chính, 7 trục hướng tâm và 3 vành đai.

Các cầu vượt sông như cầu Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Thanh Trì, Phù Đổng II đã hoàn thành, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô. Ngoài ra, các cầu vượt sông trên địa bàn các huyện, thị xã của Thủ đô cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Yến Vĩ, Sơn Đồng, Vãng, Đồng Dài, Phùng Xá... góp phần cải thiện không nhỏ tình hình giao thông tại các khu vực này.

Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng công trình cầu vượt kết hợp với việc giải tỏa chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã làm thay đổi đáng kể tình hình giao thông Thủ đô. Thành phố cũng quan tâm đầu tư cho giao thông thủy, đường sắt. Riêng hạ tầng đường sắt hiện đã lập xong quy hoạch mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài gần 306km.

Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải cũng đang gấp rút hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông như đường nối cầu Nhật Tân đi sân bay quốc tế Nội Bài, Nhà ga Quốc tế T2 (sân bay quốc tế Nội Bài), đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng, đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, đoạn Cầu Giấy-Bưởi-Nhật Tân, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục