Bong bóng nợ công ty báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính mới?

Với tỷ lệ vỡ nợ công ty toàn cầu đã vượt mức trung bình trong 30 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên phải chăng sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới?
Bong bóng nợ công ty báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính mới? ảnh 1(Nguồn: Guardian)

Với tỷ lệ vỡ nợ công ty toàn cầu đã vượt mức trung bình trong 30 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên khi có thêm nhiều trái phiếu đến thời kỳ đáo hạn, phải chăng sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới? Câu trả lời ngắn gọn là không.

Susan Lund, hiện đang làm việc tại công ty McKinsey & Company và là lãnh đạo Viện McKinsey Global Institute, nhận định như vậy trong bài viết "Phải chăng chúng ta đang ở trong bong bóng nợ công ty?."

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Phải chăng nợ công ty ngày càng tăng là bong bóng đang chờ nổ tung? Theo một nghiên cứu mới của Viện McKinsey Global Institute (MGI), trong khoảng thời gian 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khoản nợ của các công ty phi tài chính đã tăng thêm 29.000 tỷ USD - gần bằng mức nợ của chính phủ. Có khả năng sẽ diễn ra một sự điều chỉnh của thị trường. Tuy nhiên, sự gia tăng khoản nợ của công ty thoạt đầu có vẻ không đáng ngại lắm và quả thực, theo một số cách thức, thậm chí nó còn cho thấy một kết quả kinh tế tích cực.

Trong thập niên qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng vọt với việc các ngân hàng tiến hành tái cơ cấu và điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán của mình. Kể từ năm 2007, giá trị của trái phiếu doanh nghiệp chưa thanh toán từ các công ty phi tài chính đã tăng gần gấp ba lần - lên tới 11.700 tỷ USD - và phần đóng góp của nó trong GDP toàn cầu đã tăng gấp đôi.

Việc chuyển ồ ạt sang đầu tư vào trái phiếu là một phát triển đáng hoan nghênh. Các thị trường vốn vay là một nhóm tài sản quan trọng cho các nhà đầu tư định chế (nhà đầu tư tổ chức), và đem lại cho các công ty lớn một sự lựa chọn thay thế cho việc vay ngân hàng. Tuy nhiên, một điều cũng rõ ràng là nhiều công ty đi vay với rủi ro cao đã khai thác trước thị trường trái phiếu trong những năm mà tín dụng còn hết sức rẻ.

Trong 5 năm tới, mỗi năm số trái phiếu của các công ty phi tài chính có giá trị kỷ lục là 1.500 tỷ USD sẽ đến hạn đáo nợ; và một số công ty hiện đang chật vật với việc thanh toán, và nguy cơ vỡ nợ rất có khả năng sẽ tăng lên. 

Khả năng trả nợ tính mức trung bình của các thể chế đi vay đã giảm xuống. Ở Mỹ, 22% khoản nợ chưa thanh toán của các công ty phi tài chính là đến từ các trái phiếu "rác" (trái phiếu có độ rủi ro cao), và 40% khác được xếp hạng BBB, chỉ trên trái phiếu rác có một bậc. Nói cách khác, gần 2/3 số trái phiếu là đến từ các công ty có mức độ vỡ nợ cao, trong đó có nhiều nhà bán lẻ Mỹ. Những ngành bán lẻ này hiện có rất nhiều khoản nợ từ hoạt động đầu cơ sẽ đến hạn phải thanh toán trong 5 năm tới, và đối với nhiều công ty, bài toán đơn thuần không chỉ là một phép cộng, do hàng hóa bán ra giảm mạnh trước tình hình người tiêu dùng quay sang mua hàng trên mạng.

Một nguồn gây rắc rối tiềm tàng khác là khoản nợ của công ty đang tăng mạnh ở các nước đang phát triển, chiếm tới 2/3 tổng số mức tăng nợ công ty kể từ năm 2007. Trước đây, các công ty ở các nền kinh tế phát triển là những bên đi vay lớn nhất. Nhưng nhiều thứ đã thay đổi với sự nổi lên của Trung Quốc, hiện là một trong những thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Tính từ năm 2007 đến cuối năm 2017, giá trị của trái phiếu công ty phi tài chính của Trung Quốc chưa thanh toán đã tăng mạnh từ vỏn vẹn 69 tỷ USD lên mức 2.000 tỷ USD.
Một nguồn rủi ro cuối cùng là tình hình tài chính mong manh của một số công ty phát hành trái phiếu. Thật vậy, viện MGI nhận thấy rằng trong các nền kinh tế tiên tiến, chưa đến 10% số trái phiếu sẽ có nguy cơ vỡ nợ cao nếu lãi suất tăng thêm 200 điểm cơ bản. Tương tự như vậy, phần trái phiếu được các công ty đang có nguy cơ vỡ nợ phát hành hiện chỉ chiếm tới chưa đến 5% ở phần lớn các nước, điều này cho thấy rằng cho đến nay chỉ có các công ty blue-chip lớn nhất làm công việc phát hành trái phiếu.

[Trung Quốc ban hành điều lệ về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp]

Vấn đề là hiện còn có những nguồn gây rắc rối khác. Thậm chí với những mức lãi suất thấp trong lịch sử (trước khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất chuẩn lên mức 1,72-2% ngày 14/6 vừa qua), 18% số trái phiếu (trị giá khoảng 104 tỷ USD) chưa thanh toán trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ hiện có nguy cơ sẽ vỡ nợ.

Tuy nhiên, những nguy cơ lớn nhất có vẻ lại là những thị trường đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil. Khoảng 25-30% số trái phiếu ở các thị trường này cho đến nay được phát hành bởi các công ty có nguy cơ vỡ nợ cao (được định nghĩa là có hệ số khả năng thanh toán lãi vay dưới 1,5). Và tỷ lệ này có thể tăng lên tới 40% nếu lãi suất tăng thêm 200 điểm cơ bản.

Ở những thị trường đang nổi lên này, có một số lĩnh vực dễ bị tổn thương hơn những lĩnh vực khác. Tại Trung Quốc, 1/3 số trái phiếu là do các công ty công nghiệp phát hành, và 28% số trái phiếu do các công ty bất động sản phát hành, hiện có nguy cơ sẽ vỡ nợ. Tình hình vỡ nợ công ty đang tăng lên ở Trung Quốc; còn ở Brazil, 1/3 toàn bộ trái phiếu công ty đang có nguy cơ vỡ nợ trong lĩnh vực công nghiệp.

Với tỷ lệ vỡ nợ công ty toàn cầu đã vượt mức trung bình trong 30 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên khi có thêm nhiều trái phiếu đến thời kỳ đáo hạn, phải chăng sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới? Câu trả lời ngắn gọn là không. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu có thể phải đối đầu với thua thiệt, thì những vụ vỡ nợ trong thị trường trái phiếu công ty không có khả năng sẽ gây ra những tác động lan tỏa mạnh mẽ đối với toàn bộ hệ thống, giống như việc khi các khoản vay thế chấp dưới chuẩn trên thị trường chứng khoán đã làm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính lần gần đây nhất.

Ngoài những mấp mô sẽ gặp phải trên đường trong ngắn hạn, việc các công ty chuyển sang huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu là một phát triển tích cực. Hiện có nhiều cơ hội cho việc tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, với việc thị trường lớn mạnh lên, các ngân hàng sẽ cần phải suy nghĩ lại những chiến lược của họ theo đó tập trung hơn vào những phân khúc khách hàng khác, như các ngành kinh doanh cỡ nhỏ và trung bình cùng với hộ gia đình. Về phần mình, các nhà đầu tư và những người tiết kiệm cá nhân sẽ có những cơ hội mới cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm đã dạy chúng ta bài học nào đó, thì đó là nguy cơ thường xuất hiện ở những nơi ít được chờ đợi nhất. Đó là lý do giải thích tại sao các nhà quản lý và hoạch định chính sách nên tiếp tục giám sát chặt chẽ những nguy cơ hiện hữu và tiềm tàng, như những nguy cơ nổi lên từ những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đối với bên vay là công ty hay việc chứng khoán hóa một cách phức tạp đối với trái phiếu.

Họ cũng nên hoan nghênh việc lập ra các nền tảng kết nối điện tử cho việc bán và trao đổi trái phiếu công ty, nhằm tạo ra thêm sự minh bạch và tính hiệu quả trên thị trường. Bằng cách đó, khoản nợ ngày hôm nay sẽ ít có khả năng trở thành gánh nợ treo trên đầu của ngày mai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục