Bóng đá Việt Nam: Mùa... "cò" làm tổ!?

Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa như thể là mùa "cò" làm tổ, tính trung bình, bây giờ mỗi đội bóng lại có một "cò".

Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa như thể là mùa "cò" làm tổ, tính trung bình, bây giờ mỗi đội bóng lại có một "cò".
 
Hôm Hà Nội ACB đá giao hữa với Thể Công, sân Nhổn cũng có tới 3 "cò" đậu ở đó. Mauricio Luis ngồi tít trên cao, trên đường dốc chạy tập thể lực cùng với mấy cầu thủ của Hà Nội ACB. Mauricio khi chia tay với Hà Nội ACB, giải nghệ và bỏ sang làm "cò" cầu thủ. Mauricio dắt theo khoảng 5 cầu thủ cho Hà Nội ACB thử việc.
 
Dưới sân sát mép cỏ, Trần Tiến Đại ngồi với lãnh đạo Thể Công. Ông không đến để mượn người hay mua ai của Thể Công. Trần Tiến Đại đến để bán cầu thủ cho đội bóng quân đội. "Hàng" của người môi giới cầu thủ kiêm Giám đốc điều hành của Ninh Bình là 1 cầu thủ người Nam Mỹ, đá tiền vệ trung tâm.
 
Bên ghế đá, Ratna Mustika (tự là Tika), người phụ nữ có dáng vẻ như một bà bác sĩ cũng đem theo một cầu thủ người Cameroon cho Thể Công, tiền đạo Chiristian Jose mới 20 tuổi, từng đá cho câu lạc bộ Fuvo de Bhama.
 
Nhìn Christian tập luyện và đá qua 2 trận giao hữu (với cả Hòa Phát Hà Nội), không ai tin Christian Jose là người nằm trong số 50 cầu thủ có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia Cameroon, như lời của "cò" Tika đến từ Indonesia quảng cáo.
 
Tika còn nói thêm "tôi đã cung cấp cho Đồng Tháp một trung vệ, cho Hòa Phát Hà Nội tiền đạo Belibi, và nay Christian, tôi hy vọng tương lai sẽ mang ra châu Âu bán."
 
Hôm qua, trên khán đài sân vận động Thống Nhất, Frank, cựu cầu thủ từng chơi cho Hà Nội ACB, Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn, ngồi chăm chú nhìn "thân chủ" Mario ra mắt trong màu áo Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh Frank còn có 2 cầu thủ ngoại khác, có lẽ chưa may mắn có hợp đồng.
 
Và những ngày qua, Achilefu đi lại như mắc cửi, hết vào Nam rồi lại ra Bắc, để giao cầu thủ cho các đội thử việc, trổ tài thương thuyết để tìm kiếm hợp đồng.
 
Họ chưa phải là tất cả. Những cái tên nói trên mới chỉ là một nửa trong số các "cò" cầu thủ đang có mặt tại Việt Nam, tranh thủ 3 tuần nghĩ giữa giai đoạn để cung cấp cầu thủ cho các câu lạc bộ, để làm công việc hái ra tiền.
 
Như mùa trước, tiền vệ Mutiu có trình độ làng nhàng, lại là kẻ thất nghiệp trước khi tới Việt Nam (mất gần 2 tháng mới xin được giấy chuyển nhượng quốc tế), nhưng Thể Công đã phải chi tới 80.000 USD cho một "cò" cầu thủ để có được anh ta đá cho lượt về. Còn có "cò" Tobin, Jolly, Mongko...
 
Kiếm tiền từ V-League lúc này thật là dễ. Hầu hết những cầu thủ ngoại đang có mặt tại Việt Nam đều là những người thất nghiệp, vì đây là thời điểm các giải khác đang diễn ra (những ai đang có hợp đồng đều không thể sang Việt Nam ăn chờ ngời trực như thế này được). Các "cò" gần như không phải trả tiền chuyển nhượng cho câu lạc bộ gốc.
 
Như Trần Tiến Đại, ông chỉ cần mua vài đôi giày mới, cho họ ăn cơm 3 bữa là ông đã trở thành chủ của hàng chục cầu thủ ngoại và hứa hẹn sẽ có hàng ngàn hoặc chụ ngàn USD tiền chuyển nhượng cho mỗi cầu thủ và một tỉ lệ phần trăm trong khoản lương tháng.
 
Nhưng điều đáng nói, trong số những "cò" nói trên thì chỉ có hơn một nửa hành nghề môi giới cầu thủ có giấy phép của FIFA, như Tika, Frank... Còn lại là "cò" chui dẫn theo hàng chục cầu thủ ngoại cho các câu lạc bộ thử việc với phương châm "trâm bó đuốc thế nào cũng bắt được con ếch."
 
Và điều đáng nói hơn cả, dù có hàng đống tiền đổ ra từ két của các câu lạc bộ, và có một lượng "cò" cầu thủ cực kỳ đông đảo, nhưng lại rất hiếm các tài năng bóng đá thực sự đến để nâng cấp chất lượng và truyền giáo thứ bóng đá chuyên nghiệp vào V-League.
 
Christian và Tika không đáp ứng yêu cầu của Thể Công. Tiền vệ người Nam Mỹ của Trần Tiến Đại không nổi bật và không bằng cả Rafael vừa bị đội bóng quân đội vừa loại bỏ.
 
5 cầu thủ ngoại của Mauricio chỉ đủ trình độ đá phủi. Và hôm qua, Nunes Fernandes Fabio, tân binh của Ximăng Công Thanh Thanh Hóa đã chơi cực tồi trong trận ra mắt trên sân Thống Nhất. Ngay cả Mario, người ghi được 1 bàn thắng và kiếm được 1 quả penalty cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải là mẫu tiền đạo lý tưởng.
 
Mario đã may mắn khi ra mắt trong trận gặp một đội bóng có hàng thủ rất kém cỏi và có được một cơ hội đá ra ngoài còn khó hơn vào trong.
 
Thế mới biết, đất lành nên mới có nhiều cò đậu, nhưng chưa chắc đã có những con cò tốt./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục