Bóng đá Việt thành công ở AFC Cup - Nhờ đâu?

Những thành công bóng đá Việt Nam tại AFC Cup, có thể lý giải bởi đây là sân chơi khuyến khích cho những nền bóng đá yếu ở châu lục.
Những thành công vừa qua của các câu lạc bộ Việt Nam tại AFC Cup, có thể tạm được lý giải bởi đấu trường này không phải là ngày hội của những anh hùng bóng đá châu Á. Nó là một sân chơi, để khuyến khích cho nền bóng đá chưa hoặc đang phát triển ở châu lục này tiến bộ.

Vượt qua Sriwiraja với tỷ số 2-1, Becamex Bình Dương có 7 điểm và chỉ phải xếp sau chính đối thủ Indonesia vì chỉ số phụ thấp hơn, khi vòng loại bảng F còn hai lượt trận. Vào thời điểm đó, SHB Đà Nẵng đã cầm chắc một chiếc vé đi tiếp ở bảng H, sau chiến thắng thứ 4 liên tiếp, trên sân của của câu lạc bộ Tai Po (Hongkong).

Một viễn cảnh màu hồng cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường AFC Cup 2010. Hai suất chơi ở vòng 1/8 và hơn thế nữa. Xem chừng kỳ tích lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất giải đấu này của Becamex Bình Dương hồi năm ngoái, sẽ không khó để lập lại. Tại sao?

Một giải đấu khu vực mở rộng

Như quy định AFC Cup trong những năm gần đây, 32 đội bóng được chia làm 8 bảng và chọn hai đội dẫn đầu mỗi bảng đi tiếp vào vòng knock-out. Về lý thuyết, thể lệ - cách thức thi đấu ấy, không khác AFC Champions League (giải đấu cao nhất châu lục cấp câu lạc bộ) và thậm chí gần như rập khuôn Champions League ở trời Âu, tức là cũng theo nhóm, chọn hạt giống... Nhưng, nếu để ý kỹ sẽ thấy có chút dị bản, lộ trình luôn ưu ái cho câu lạc bộ thuộc nền bóng đá yếu.

Cụ thể, những câu lạc bộ giàu thành tích hoặc thuộc các nền bóng đá phát triển (Tây hay Đông Bắc Á), luôn được xếp ở nhóm 1: các bảng A, B, C, D. Phần còn lại, các bảng đấu E, F, G, H là sự góp mặt của các đội bóng Đông Nam Á và Nam Á  (nhóm 2). Theo thể thức đấu chéo sau vòng bảng, nó tạo thành hai nhánh tách biệt, và phải đợi đến vòng tứ kết, thậm chí là bán kết, hai nhóm này mới có dịp gặp nhau. Phải tới hai vòng cuối cùng, tính châu lục mới bắt đầu được thể hiện.

Năm ngoái, Becamex Bình Dương nằm ở bảng H (toàn những câu lạc bộ Đông và Nam Á) và đội bóng  này lần lượt đối đầu với Kedah (Malaysia, bảng G) ở vòng 1/8; đến tứ kết họ gặp Chonburi FC (Thái Lan, và cũng ở bảng G).

Thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung chỉ dừng lại ở bán kết, khi phải gặp Al Karamah (Syria, đội đã thi đấu ở bảng D trước đó). Tình huống tương tự với Hà Nội ACB (bảng G), cho đến khi câu lạc bộ này tự rời bỏ cuộc chơi. Sẽ không loại trừ khả năng Becamex Bình Dương và SHB Đà Nẵng gặp nhau ở vòng kế tiếp, hoặc muộn nhất là tứ kết.

Và lịch sử là sự bố thí?

Becamex Bình Dương đã tạo cột mốc lịch sử rất đáng chú ý cho bóng đá Việt Nam tại giải đấu châu lục cấp câu lạc bộ, khi lần đầu tiên ghi tên mình tại vòng bán kết AFC Cup 2009. Không phủ nhận những nỗ lực khẳng định của đại diện Việt Nam, nhưng hẳn ai cũng thấy lộ trình của họ đã được trải hoa hồng.

Tình huống đã và đang lặp lại ở mùa giải năm nay. Lần này Việt Nam hẳn có cơ sở hơn, với hai trong số những câu lạc bộ mạnh nhất (nhà vô địch V-League SHB Đà Nẵng và á quân Becamex Bình Dương), cùng đặt mục tiêu cao ở AFC Cup 2010.

Có cảm giác như các quan chức AFC rất thích đọc “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, khi chủ động trao cơ hội cho tất cả. Sẽ là rất hữu ích từ gói kích cầu cần thiết này, để các nền bóng đá yếu hoặc chậm phát triển có cơ hội học hỏi, nâng tầm và hòa nhập. Nó cũng giống như FIFA lần đầu tiên đưa vòng chung kết World Cup 2002 về với châu Á và mùa hè này là một quốc gia châu Phi (đồng nghĩa với các suất dự vòng chung kết trực tiếp cho người chủ nhà, thay vì phải trầy trật qua vòng đấu bảng).

Chơi ở một giải đấu như thế có rất nhiều lợi điểm cho các câu lạc bộ Việt Nam, để xóa bỏ một quá khứ ra châu lục có rất nhiều thua và rất ít thắng. Nhưng nếu thêm vài năm nữa, chúng ta vẫn chỉ loay hoay ở AFC Cup mà không tự tiến lên AFC Champions League, thì không còn chút gì để đáng mừng nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục