“Bóng ma lạm phát” đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc?

Có thể dự đoán rằng một khi áp lực lạm phát gia tăng, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh các chính sách then chốt như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
“Bóng ma lạm phát” đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc? ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 11/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đầu năm 2021, báo Chứng khoán Trung Quốc đã tổng hợp các phân tích cho rằng năm 2021, Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với nỗi lo lạm phát. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau Tết Nguyên Đán, giá nguyên liệu ở nước này tăng mạnh, kéo theo sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng khác.

Điều này làm dấy lên nỗi lo về sự trở lại của “bóng ma” lạm phát, dẫn tới sự điều chỉnh của các chính sách then chốt.

Trở lại với bài viết trên báo Chứng khoán Trung Quốc, tác giả Nghê Minh Á cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến Trung Quốc không phải lo về lạm phát trong năm 2021 là do nền kinh tế nước này đang phục hồi ổn định, nhưng mức độ phục hồi về lực cầu vẫn kém so với lực cung.

Vấn đề thiếu hụt về nhu cầu vẫn còn nổi cộm, từ đó cản trở đà tăng giá trong khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng không đáng kể so với năm 2020, dự đoán ở mức 1,5-2%.

Bên cạnh đó, phải thấy rằng giá thịt lợn đi xuống sẽ kiềm hãm đáng kể tốc độ tăng của chỉ số CPI và hàng hóa quốc tế sẽ không gây áp lực mang tính nhập khẩu đối với giá cả trong nước. Nền kinh tế toàn cầu đang từng bước phục hồi, với lực cầu phục hồi nhanh hơn lực cung.

Từ tháng 10/2020 trở lại đây, giá hàng hóa quốc tế đã tăng trở lại, song chỉ mang tính giai đoạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của thế giới trong năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng và giá hàng hóa quốc tế sẽ không xuất hiện xu thế tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, tác động của các nhân tố ngoại nhập lên Chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ không quá rõ ràng và áp lực từ PPI đến CPI là không lớn.

[Điều ẩn giấu trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp của Trung Quốc]

Dự đoán của tác giả Nghê Minh Á đã khơi dậy sự lạc quan. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau Tết Nguyên Đán, giá nguyên liệu tại Trung Quốc đã tăng một cách đáng kinh ngạc.

Theo báo giá mới nhất, giá đồng tăng 51%, giá niken tăng 38%, kẽm tăng 31% , PVC tăng 38%, chất dẻo tăng 153%. Cùng với đó, giá bông và giá thép cũng tiếp tục tăng, làm giá hàng gia dụng và sản phẩm làm từ bông sợi cũng tăng lên.

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết thêm rằng nhiều nhà sản xuất vật liệu chống thấm đã thông báo tăng giá. Theo thống kê, tới nay có hơn 12 nhà sản xuất vật liệu chống thấm chính thức công bố bảng giá mới với mức tăng từ 10% đến 20%.

Ngoài ra, cùng với việc giá nguyên liệu tăng mạnh, giá thiết bị gia dụng như máy hút mùi, bình đun nước nóng bằng điện, bình đun nước nóng bằng gas, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, TV, đồ gia dụng nhỏ và linh kiện phần cứng… cũng tăng.

Một nguyên liệu đầu vào chiến lược khác cũng tăng giá đó là dầu mỏ. Sáng 8/3, lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu Brent vượt mốc 70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chạm mức "đỉnh" của hơn hai năm sau các cuộc tấn công vào cơ sở dầu của Saudi Arabia.

Chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu quốc tế không ngừng tăng trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã không ngừng điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng tới dân sinh, mà còn ảnh hưởng tới vận hành kinh tế vì bên cạnh việc làm tăng chi phí sản xuất, giá xăng dầu tăng còn gây ra lạm phát nhập khẩu cho kinh tế Trung Quốc.

Ngoài ra, Thượng viện Mỹ mới đây đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD, bao gồm một loạt biện pháp từ phát séc (cheque) trực tiếp cho người dân đến trợ cấp thất nghiệp, quỹ phân phối vaccine, trợ cấp y tế cho đến trợ cấp cho các nhà hàng.

Đây là gói cứu trợ lớn nhất được thông qua kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái. Như vậy, không chỉ yếu tố giá dầu mà cả yếu tố tiền tệ cũng khiến kỳ vọng lạm phát toàn cầu tăng lên.

Nếu xem xét Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hồi cuối năm ngoái và Báo cáo Công tác Chính phủ trình Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khai mạc vào đầu tháng Ba này, có một điều dễ nhận thấy là Trung Quốc đã đặt trọng tâm chính sách vĩ mô vào việc duy trì tính liên tục, ổn định và bền vững.

Do đó, yêu cầu cơ bản của các chính sách là không được chuyển hướng gấp. Tuy nhiên, thực tế nêu trên đã buộc Bắc Kinh phải bắt đầu bàn thảo về rủi ro lạm phát và đi sâu nghiên cứu xem rủi ro như vậy có tác động mạnh tới sự vận hành của nền kinh tế hay không.

Nếu xem xét đời sống kinh tế thực tế, Trung Quốc gần đây ở trong tình trạng “Một tăng Hai giảm.” 

“Một tăng” là giá hàng hóa trên thị trường cơ bản tăng lên, không chỉ là giá dầu, mà còn là giá các loại hàng hóa tiêu dùng đều tăng. “Hai giảm” trước tiên là việc giá bất động sản bắt đầu hạ nhiệt trong bối cảnh các địa phương đưa ra chính sách kiểm soát, sau đó là việc tín dụng giảm một cách tiêu cực ở các ngân hàng cơ sở.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự gia tăng của giá cả hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người nghèo. Trong khi đó đối với người giàu, việc không vay được tiền hay phải chịu lãi suất cao trong bối cảnh lạm phát cao sẽ gia tăng áp lực đối với họ. Trên bình diện quốc gia, khi lạm phát đến, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực.

Có thể nói, rủi ro lạm phát ở Trung Quốc đã gia tăng, nhưng xu hướng lạm phát vẫn chưa rõ ràng. Dẫu vậy, có thể dự đoán rằng một khi áp lực lạm phát gia tăng, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh các chính sách then chốt như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Chỉ có điều, không gian nới lỏng các chính sách này vốn đã hạn hẹp nay sẽ càng khó khăn hơn giữa bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt yếu tố như rủi ro nợ và tình hình lạm phát tăng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục