Bóng mây khủng hoảng

Bóng mây khủng hoảng trùm lên Hollywood

Các rạp chiếu bóng vẫn ồn ào nhưng các hãng phim thì sản xuất ít hơn và lùi thời gian công chiếu những bộ phim được chờ đợi.
Chỉ mới đây thôi ai cũng nghĩ chẳng cuộc khủng hoảng nào đụng được vào Hollywood, nhưng hóa ra "Kinh đô điện ảnh thế giới" cũng không "né" được đòn suy thoái kinh tế.

Hè vừa qua, người Mỹ sau một thời gian tằn tiện chi cho việc giải trí đã đổ xô đến các rạp chiếu bóng, để lại đó 4,3 tỉ USD, một con số kỷ lục. Nhưng hóa ra số tiền bán vé không phải là chỉ số quan trọng nhất trong doanh thu của ngành điện ảnh Mỹ.

Bộ phim ăn khách nhất của Mỹ năm nay là "Transformers: Revenge Of The Fallen" (Robot đại chiến 2: Bại binh phục hận). Sản phẩm của hãng phim Paramount từng được giới phê bình điện ảnh ầm ĩ phân tích, mổ xẻ, quảng bá, khen chê đã lập kỷ lục về bán vé trong ngày ra mắt và nhanh chóng đạt được con số 1 tỉ USD khi được chiếu trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, "Transformers: Revenge Of The Fallen" được chiếu tối đầu tiên tại Đống Đa Cinema (3/7), và gây cơn sốt với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh vì bộ phim hành động viễn tưởng này đã được mong đợi từ lâu.

Vậy tại sao nói rằng Hollywood cũng dính "đòn" khủng hoảng? Đây lẽ ra phải là thời điểm mà họ tung ra hàng loạt phim khác, nhưng thực tế chứng minh một sự thật lại không phải như vậy.

Tờ Newizv cho biết rằng, đã mấy thập niên rồi thu nhập của các hãng phim Mỹ không trông chờ vào việc bán vé, dù đây vẫn là thước đo cho sự thành công hay thất bại của một tác phẩm điện ảnh. Hiện tại phần chính trong nguồn thu của các hãng là bán đĩa DVD, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính nên đĩa phim tiêu thụ rất chậm. Thu nhập từ quảng cáo cũng tụt mạnh.

Cuộc khủng hoảng tín dụng mới thực sự giáng một đòn đau vào Hollywood. Các ngân hàng vốn dĩ chẳng mặn mà khi cho các nhà sản xuất phim vay vốn thì bây giờ lại càng tỏ ra lạnh nhạt.

Hệ quả là mặc dù tại các rạp chiếu bóng mọi sự vẫn ồn ào, náo nhiệt nhưng các hãng phim thì sản xuất ít hơn và lùi thời gian công chiếu những bộ phim được khán giả sốt sắng chờ đợi. Chẳng hạn, Paramount lùi việc trình làng "Shutter Island" (Đảo kinh hoàng) từ ngày 2/10/2009 sang tận 19/2/2010.

Bộ phim có dàn diễn viên hút khách như "kép đẹp" Leonardo DiCaprio và Mark Fuffalo, Ben Kingsley, Michelle Williams, Patricia Clarkson. "Shutter Island" được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tâm lý kinh dị của tác giả Dennis Lehane, kể về viên cảnh sát trưởng Teddy Daniels (Leonardo DiCaprio thủ vai) truy lùng một phụ nữ phạm tội giết người và trốn khỏi bệnh viện tâm thần trên một hòn đảo nhỏ ở Massachusetts.

Tương tự, hãng Universal cũng hoãn công chiếu "The Wolfman" (Người sói) của đạo diễn Joe Johnston với các diễn viên gạo cội Benicio Del Toro, Anthony Hopkins.

Một đặc điểm nổi bật của tác động khủng hoảng hiện tại đối với Hollywood là cắt xén cátxê của các siêu sao. Sumner Redstone, ông chủ của hãng media lớn nhất nước Mỹ Viacom đã giải thích vì sao lại sa thải Tom Cruise, chàng diễn viên đẹp trai có nụ cười mê hồn: "Tôi rất yêu Tom và chẳng mảy may nghi ngờ anh là nghệ sĩ lớn. Tôi hy vọng chúng tôi vẫn sẽ lại được làm việc bên nhau. Nhưng anh ấy có với chúng tôi một hợp đồng 10 triệu USD. Trả một khoản tiền lớn như núi chỉ vì một con người xuất hiện ở trường quay là ngu ngốc. Mà sự ngu dốt thì không mang lại tiền bạc".

Thực ra, ngài Sumner có thừa kinh nghiệm để không nói thẳng những lời có thể xúc phạm các nghệ sĩ. Chuyện Tom Cruise bị đuổi việc đã gây tốn biết bao giấy mực của báo giới. Ông biết rằng các ngôi sao lớn đã không còn rực sáng như xưa, không còn mang lại nhiều lợi nhuận cho các ông chủ nữa.

Để minh chứng điều này chỉ cần nêu ra rằng 4 trong 5 bộ phim ăn khách nhất hè này, trong đó có "Transformers: Revenge Of The Fallen"  và "Star Trek" không có bóng dáng các ngôi sao.

Trong khi đó, những ngôi sao lớn như Eddie Murphy, Will Ferrell, Jack Black chỉ hút được một lượng khán giả chiếm có nửa rạp chiếu. Thậm chí cả "người khổng lồ" John Travolta với Denzel Washington cũng không cứu nổi bộ phim hình sự tưởng cũng sẽ là bom tấn "The Taking Of Pelham 1 2 3" (Chuyến tàu định mệnh).

Việc giảm sản xuất phim không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các ngôi sao mà còn làm bé đi "nồi cơm" của các diễn viên bình thường, của tất cả những ai gắn bó cách này hay cách khác với điện ảnh. Hollywood đã trả giá cho cơn suy thoái kinh tế bằng việc để mất 20.000 chỗ làm.

Số nhân viên sẽ còn bị sa thải nếu hãng phim MGM đâng ngấp nghé bờ vực không thỏa thuận được với các ngân hàng về việc đáo nợ và buộc phải phá sản. Hãng này đến tháng 7/2012 sẽ phải trả khoản nợ 3,7 tỉ USD.

Đến tháng 4/2010 chỉ riêng lãi mẹ đẻ lãi con số nợ của hãng đã lên đến 250 triệu USD./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục