BP: Tăng trưởng nhu cầu đối với dầu mỏ của thế giới sẽ chậm lại

Trong báo cáo thường niên Viễn cảnh Năng lượng 2017 mới công bố của mình, BP dự báo tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 30% từ nay cho đến năm 2035.
BP: Tăng trưởng nhu cầu đối với dầu mỏ của thế giới sẽ chậm lại ảnh 1Một trạm xăng của BP ở Peckham,miền nam London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tập đoàn năng lượng BP (Anh) ngày 25/1 nhận định tăng trưởng nhu cầu đối với dầu mỏ của toàn cầu sẽ chậm dần lại trong vòng hai thập niên tới.

Trong báo cáo thường niên Viễn cảnh Năng lượng 2017 mới công bố của mình, BP dự báo tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 30% từ nay cho đến năm 2035, chủ yếu do sức tăng tại những quốc gia đang phát triển dù cho có sự cải thiện về hiệu quả sử dụng năng lượng .

BP dự đoán tăng trưởng nhu cầu đối với riêng mặt hàng dầu mỏ sẽ đạt mức trung bình 0,7%/năm mặc dù mức này được dự đoán sẽ chậm dần đều trong giai đoạn trên.

Bình luận về các dự đoán trên, Tổng giám đốc điều hành BP Bob Dudley cho rằng các trung tâm về nhu cầu (tiêu thụ năng lượng) truyền thống giờ đang bị các thị trường mới nổi có sức tăng trưởng nhanh "soán ngôi." Cơ cấu năng lượng giờ đang chuyển dịch, được dẫn dắt bởi sự tiến bộ trong công nghệ và các quan ngại về môi trường. Ông Dudley nhận định hơn bao giờ hết, ngành công nghiệp này cần thích nghi để đáp ứng các thay đổi về những nhu cầu năng lượng đó.

Theo BP, toàn bộ tăng trưởng nhu cầu đối với dầu mỏ trong giai đoạn 2015-2035 sẽ đến từ các thị trường mới nổi, trong đó Trung Quốc chiếm một nửa.

Tuy vậy, theo nhà kinh tế trưởng của BP Spencer Dale, tác động của ôtô điện bên cạnh các tiến bộ khác của cuộc cách mạng di động (công nghệ xe tự hành, dịch vụ chia sẻ xe...) là một trong những "lực cản" đối với viễn cảnh dài hạn của dầu mỏ.

Theo ông Dale, trong những năm 2030, thành tố quan trọng nhất trong tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ vào thập niên 2030 sẽ không phải là nguồn cung năng lượng cho ôtô, xe tải hay máy bay. Thay vào đó, nó sẽ được sử dụng như một nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm khác, chẳng hạn như nhựa và vải. Đây là một sự thay đổi so với trước kia.

Trong báo cáo của mình, BP lưu ý tốc độ tăng chậm lại của nhu cầu dầu mỏ tương phản với với tình trạng dư cung trên toàn cầu, mà theo BP có thể thúc đẩy các nước sản xuất dầu với chi phí thấp như các nước Trung Đông là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và Mỹ sử dụng ưu thế cạnh tranh của họ để làm tăng thị phần.

Những năm qua, “vàng đen” chứng kiến đợt giá chạm mức thấp trong 13 năm là dưới ngưỡng 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016 giữa bối cảnh nguồn cung dầu thế giới dư thừa. Sau đó, giá dầu đã hồi phục mạnh và quay trở lại ngưỡng trên 50 USD/thùng nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác lịch sử đạt được giữa các thành viên trong và ngoài OPEC hồi tháng 11 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục