Brazil điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Odebrecht

Thẩm phán liên bang Brazil Sérgio Moro đã nộp lên Tòa án Tối cao nước này tất cả các tài liệu thu được tại trụ sở chính của Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odbrecht SA.
Brazil điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Odebrecht ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/3, Thẩm phán liên bang Brazil Sérgio Moro cho biết đã nộp lên Tòa án Tối cao nước này tất cả các tài liệu thu được tại trụ sở chính của Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht SA, trong đó bao gồm một danh sách hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến tham nhũng.

Trong một thông báo, Thẩm phán Moro cho biết những tài liệu trên cho thấy tập đoàn Odebrecht SA đã hối lộ các cá nhân sở hữu đặc quyền được miễn truy cứu, đồng nghĩa chỉ Tòa án Tối cao mới có quyền điều tra những đối tượng này.

Theo ông Moro, Odebrecht SA đã hối lộ cho hơn 200 chính trị gia thuộc 24 đảng khác nhau, trong đó có cả đảng Lao động (PT) cầm quyền và các đảng đối lập, để thắng thầu trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm sân vận động Arena ở thành phố Sao Paolo, một sân bay ở bang Goiania và một kênh đào ở miền Nam Brazil. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sở hữu một bộ phận riêng biệt chuyên phụ trách thực hiện các khoản hối lộ bất hợp pháp.

Odebrecht SA, hoạt động ở 30 quốc gia, đã quyên góp một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tranh cử của các chính trị gia thuộc PT, bao gồm cả chiến dịch tranh cử của Tổng thống Dilma Rousseff, cũng như các đối thủ của PT như Thượng nghị sỹ Aécio Neves thuộc đảng Xã hội Dân chủ (PSDB).

Trước đó, ngày 22/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã bắt thêm ít nhất 14 lãnh đạo của Odebrecht SA để phục vụ điều tra liên quan đến vụ tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Cơ quan chức năng đã tìm thấy bằng chứng về việc Odebrecht SA sử dụng cái gọi là phân chia cấu trúc để phối hợp thanh toán các khoản hối lộ một cách hệ thống. Thẩm phán Moro cũng là người thụ lý vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nền trầm trọng từ năm ngoái, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Petrobras, khiến gần 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang thuộc diện bị điều tra. Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền, tới cựu Tổng thống Lula da Silva - người sáng lập PT, và uy tín của Tổng thống Rousseff.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Hiệp hội Luật sư Brazil (OAB) đã đệ đơn kiến nghị phế truất Tổng thống Rousseff với cáo buộc gây trở ngại việc thực thi luật pháp và cung cấp ưu đãi miễn thuế cho Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) trong kỳ World Cup 2014. Theo OAB, những hành động trên đã “gây tổn thương” đến các lợi ích của đất nước Brazil.

Hiện Tổng thống Rousseff đang đối mặt với nguy cơ bị phế truất khi phe đối lập trong nhiều tháng qua liên tục gây áp lực đòi đưa bà ra xét xử tại một phiên tòa chính trị nhằm bãi nhiệm bà trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018. Nhằm cứu vãn tình hình, cùng ngày, bà Rousseff đã có cuộc gặp với các bộ trưởng thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD) của Phó Tổng thống Michel Temer để thuyết phục họ ở lại.

PMBD đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự nghiệp chính trị của bà Rousseff trong trường hợp Quốc hội tiến hành bỏ phiếu trong phiên tòa chính trị xét xử Tổng thống, do phe đối lập thúc đẩy, nhằm bãi nhiệm bà này. Ông Temer sẽ là người thay bà Rousseff tiếp tục điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 nếu Tổng thống bị cách chức.

Trước đó, đảng Cộng hòa Brazil (PRB) và Công đảng Brazil (PTB), trong liên minh cầm quyền với chính phủ và chiếm 40 trong tổng số 513 ghế ở Hạ viện, cũng đã rút khỏi liên minh với bà Rousseff. Trong khi đó, PMDB có tới 69 hạ nghị sỹ.

Theo quy đinh, việc bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Tổng thống sẽ được tiến hành trước tiên tại Hạ viện. Nếu điều này xảy ra, bà Rousseff có thể sẽ mất tới hơn 100 phiếu ủng hộ.

Hiện một ủy ban đặc biệt ở Hạ viện gồm 65 nghị sỹ đang xem xét có tiến hành xét xử Tổng thống hay không. Phe đối lập cần tập hợp đủ 2/3 số phiếu tức 342 phiếu ở Hạ viện mới có thể phế truất bà Rousseff, trong khi ở Hạ viện chỉ cần 41 phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục