Brazil-Đức bất đồng về vấn đề hạt nhân của Iran

Ngoại trưởng Brazil và người đồng cấp Đức không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề trừng phạt nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran.
Brazil và Đức tiếp tục bất đồng sâu sắc về vấn đề Liên hợp quốc có nên siết chặt các biện pháp trừng phạt Iran nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này hay không.

Trong cuộc hội đàm ngày 10/3 tại thủ đô Brasilia, Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim và người đồng cấp Đức Guido Westerwelle đã thống nhất lập trường cần ngăn cản việc Iran xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, song hai bên không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề trừng phạt.

Ngoại trưởng Amorim nhấn mạnh Tehran cần có thêm cơ hội để chứng minh nước này sẵn sàng hợp tác với Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định Brasilia theo đuổi một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, một giải pháp không gây tổn hại cho người dân Iran.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Westerwelle cho rằng có sự khác biệt trong cách đánh giá về các nguy cơ nảy sinh từ hoạt động hạt nhân của Iran.

Theo ông, Đức và Brazil ở hai lục địa khác nhau, dẫn tới sự cách biệt đáng kể về khoảng cách địa lý từ hai nước này đến Iran.

Quan chức ngoại giao Berlin nhấn mạnh các cường quốc châu Âu hết sức lo ngại về các chương trình hạt nhân nhạy cảm của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Westerwelle cũng khẳng định phương Tây sẵn sàng thương lượng dù vẫn để ngỏ các giải pháp khác.

Trong khi Mỹ và phương Tây liên tục gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, thì Brazil, hiện là nước thành viên không thường trực cơ quan quyền lực cao nhất Liên hợp quốc, lại phản đối ý định này và đặt ưu tiên cho các giải pháp hòa bình.

Trước đó, trong cuộc gặp ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã không thể thuyết phục được Tổng thống Brazil Lula da Silva thay đổi lập trường về vấn đề này.

Ngoài vấn đề Iran, hai ngoại trưởng Brazil và Đức cũng đề cập tới quan hệ thương mại song phương, đặc biệt là triển vọng đạt được trên nguyên tắc một hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) vào cuối năm nay.

Brazil là chặng dừng chân cuối cùng của Ngoại trưởng Westerwelle trong chuyến công du tới các nước Mỹ Latinh, trong đó có Chile, Argentina và Uruguay.

Với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 lên tới 24,7 tỷ USD, Đức hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Brazil, sau Trung Quốc, Mỹ và Argentina./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục