Brexit đang "bóp nghẹt" chính trường Anh và Thủ tướng Theresa May

Chuyên gia Lauren Dobson-Hughes cho rằng Brexit đang "bóp nghẹt' chính trường Anh và đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường với tương lai chính trị của Thủ tướng Thesesa May.
Brexit đang "bóp nghẹt" chính trường Anh và Thủ tướng Theresa May ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN )

Trang tin Opencanada.org đăng bài viết của Lauren Dobson-Hughes, một chuyên gia về phát triển quốc tế và các vấn đề toàn cầu, phân tích tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đối với chính trường Anh và tương lai chính trị của Thủ tướng Theresa May.

Tác giả cho rằng Brexit đang "bóp nghẹt' chính trường Anh và đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường với tương lai chính trị của Thủ tướng May.

Giới bình luận đánh giá Thủ tướng Anh Theresa May đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn liên quan đến cuộc khủng hoảng Brexit khi có tới 2 thành viên cấp cao trong nội các từ chức và hàng loạt lời đe doạ đối với chiếc ghế lãnh đạo hiện nay của bà. Vậy Thủ tướng May phải đối phó như thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Xét trên nhiều góc độ, cuộc khủng hoảng Brexit hiện tại xuất phát từ việc nước Anh không thực sự hiểu rõ những tác động và ý nghĩa của Brexit đối với các thành phần trong xã hội.

Sự mơ hồ này có lẽ khởi nguồn ngay từ khi cựu Thủ tướng David Cameron tiến hành cuộc trưng cầu dân ý cách đây 2 năm về việc duy trì tư cách thành viên của Anh trong EU.

Trong chiến dịch trưng cầu dân ý đó, hầu như nước Anh không mấy khi tiến hành các cuộc thảo luận về tác động thực sự mà Brexit có thể mang lại.

Đối với những người ủng hộ Brexit, đây là một tuyên bố chính trị về tự do tách khỏi châu Âu và sự khẳng định chủ quyền. Nó là một khẩu hiệu và viễn cảnh hơn là một đề xuất chính sách nghiêm túc.

Chỉ có rất ít các cuộc thảo luận thực sự về Brexit, bởi trên thực tế đây là vấn đề hết sức phức tạp cả về pháp lý và kỹ thuật.

Có hàng loạt vấn đề khó nhằn và chi tiết cần được giải quyết, bao gồm đường biên giới Bắc Ireland, tư cách thành viên của một số liên minh hải quan, kết nối giao thông hàng không, tư cách thành viên của các cơ quan như cục Cảnh sát châu Âu (Europol) và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom).

Trong 2 năm kể từ khi tiến hành trưng cầu dân ý, đã có một vài đề xuất cơ bản từ nội các và những người ủng hộ Brexit về thực tế Brexit sẽ diễn ra như thế nào.

Thủ tướng May cũng đã dành 2 năm cố gắng tìm kiếm một đề xuất nghiêm túc được sự ủng hộ trong nội các để trình lên EU.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh đang ở vị thế không thuận lợi gì, bị kẹp giữa một số thành viên trong đảng và nội các (là những người ủng hộ phương án Brexit “mềm,” hội nhập một phần với châu Âu) và những người theo đường lối cứng rắn (muốn hoàn toàn tách khỏi các cơ chế, chính sách và luật lệ của EU).

Những người theo đường lối cứng rắn o bế bà May, đe doạ vị trí lãnh đạo của bà nếu nước Anh không thực thi đường lối Brexit “cứng,” điều gần như là không thể vì cả lý do chính trị, kỹ thuật và sự phản đối của EU.

Thủ tướng May có lẽ đã cố gắng tìm kiếm giải pháp dung hoà giữa hai phương án Brexit “mềm” (có tính thực tế hơn) và Brexit “cứng” (gần như bất khả thi) nhưng dường như không thành công.

[EU đang đẩy Anh vào viễn cảnh không có thỏa thuận Brexit]

Vào trung tuần tháng này, bà đã tổ chức một cuộc họp nội các kín để tìm kiếm lập trường chính thức cho vấn đề Brexit.

Theo lịch trình, nước Anh sẽ tự động ra khỏi EU vào tháng 3/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể thống nhất lập trường. Điều này có lẽ một phần lỗi do Thủ tướng May khi bà vội bã kích hoạt Điều 50 hồi háng 3/2017, chính thức khởi động thời gian 2 năm đếm ngược tới thời điểm nước Anh tự động ra khỏi EU.

Đáng ra, bà May nên đợi cho đến khi có được một chính sách hay lập tường đàm phán rõ ràng chứ không phải hành xử nóng nội để rồi đến tận bây giờ, nước Anh vẫn trong mớ bòng bong và khó có khả năng đạt được một thoả thuận có lợi với EU.

Tại cuộc họp nội các hẹp, hay còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Checquers, bà May đã hy vọng tìm được sự thỏa hiệp. Bà chuẩn bị mọi việc rất cẩn thận và công khai đề nghị những người theo đường lối Brexit “cứng” từ chức nếu họ không đồng tình với lối tiếp cận “mềm” của bà.

Và trong 48 giờ sau đó, Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit David Davis đã từ chức, nối gót người tiền nhiệm Boris Johnson cũng mới từ chức không lâu. Cả hai bộ trưởng này đều cho rằng thỏa thuận Chequers quá mềm.

Trong khi đó, để đối phó với tình hình, những người ủng hộ chủ trương Brexit “cứng” trong Quốc hội nhanh chóng thành lập Nhóm nghiên cứu châu Âu và sửa đổi thành công luật hải quan để ứng phó với Thỏa thuận Checquers.

Trong khi đó, EU nhiều khả năng cũng sẽ từ chối Thỏa thuận Chequers vì muốn phân tách rạch ròi “4 quyền tự do” về hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người.

EU coi 4 nguyên tắc sáng lập này là không thể tách rời, trong khi thỏa thuận Chequers đưa ra các quy tắc khác nhau về quyền tự do hàng hóa và dịch vụ.

Không chỉ đối mặt với sức ép từ EU, Thủ tướng May cũng đang ở trong thế vô cùng bấp bênh khi những người theo Brexit “cứng” đe dọa sẽ tìm cách loại bỏ bà nếu họ không đạt được mục tiêu đề ra.

Brexit chưa bao giờ là một đề xuất chính sách nghiêm túc. Đây luôn luôn chỉ là phương tiện cho tham vọng lãnh đạo của những "cái đầu" Bảo thủ tại Anh.

Và bất kể với động lực gì, những người ủng hộ Brexit vẫn có hai cách để lật đổ bà May.

Cách thứ nhất là thay thế vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của bà bằng cách huy động Ủy ban 1922, gồm một nhóm các nghị sỹ quyền lực trong đảng, đứng lên vận động ít nhất 48 thành viên trong quốc hội yêu cầu tiến hành bỏ phiếu truất quyền lãnh đạo đảng của bà May.

Cách thứ hai là họ có thể đệ trình đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm mở đường cho một cuộc bầu cử sớm.

Theo Đạo luật về Nghị viện của Vương quốc Anh, việc kích hoạt bầu cử sớm khó khăn hơn trước đây nhưng một khi được tiến hành, đảng Bảo thủ sẽ khó giành được chiến thắng. Kết quả một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Lao động đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của người dân.

Vậy tình thế hiện nay sẽ dẫn nước Anh đi tới đâu? Bà May đã rất cứng rắn kể từ khi lên làm Thủ tướng và luôn nỗ lực xoay sở để duy trì vị thế của mình. Thế nhưng thời gian đang trôi đi nhanh chóng và sự kiên nhẫn của EU đối với nước Anh cũng đang giảm dần.

Trong vài tuần gần đây, trong Quốc hội Anh bắt đầu nổi lên nhiều lời kêu gọi từ các thành viên, nhất là từ nhóm đảng Bảo thủ, về việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào.

Trong khi đó, một số người khác yêu cầu nếu tiến hành trưng cầu phải được sự đồng ý của Quốc hội. Hiện chưa rõ giữa các phe phái ở Anh có đạt được một thỏa thuận khả thi được cả Quốc hội và EU chấp chuận hay không, cho dù thời gian Anh chính thức rời khỏi EU vẫn sẽ không thay đổi.

Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi một nhóm nhỏ những người theo đường lối cứng rắn quả quyết rằng họ thà không có thoả thuận hơn là có một thoả thuận tồi, dù biết chắc đây sẽ là thảm họa.

Và với những gì mà nhóm ủng hộ Brexit “cứng” đang thể hiện, tương lai nước Anh không có thoả thuận đang trở nên rất rõ ràng và nếu điều này thực sự xảy ra, chính trường Anh sẽ hoàn toàn rơi vào hỗn loạn.

Brexit đang bóp nghẹt chính trị và làm lu mờ các vấn đề khác. Nhiều vấn đề nghiêm trọng như trục xuất người nhập cư vào Anh theo diện Windrush hay cuộc khủng hoảng an ninh xã hội đẩy hàng nghìn người vào khó khăn tài chính cũng trở nên nhỏ bé trước vấn đề Brexit.

Thủ tướng May đang rơi từ cuộc khủng hoảng lãnh đạo này sang cuộc khủng hoảng lãnh đạo khác và chưa hề có dấu hiệu chấm dứt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục