Brexit không có thỏa thuận: Sự ảo tưởng đầy rủi ro

Những bàn tán về một Brexit mà không đi kèm với bất kỳ thỏa thuận nào xuất hiện ngày càng nhiều từ khi Thủ tướng Anh đề ra các mục tiêu đàm phán mới còn gọi là “Kế hoạch Chequers".
Brexit không có thỏa thuận: Sự ảo tưởng đầy rủi ro ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Anh ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng economist.com mới đây đăng bài phân tích cho rằng một Brexit “không có thỏa thuận” là sự ảo tưởng đầy rủi ro.

Mở đầu, bài viết nhấn mạnh những miếng mồi nhử luôn có sức mạnh rất lớn. Tại sao lại phải đàm phán với một tổ chức mà bạn không hài lòng, một tổ chức vốn luôn tìm cách tước bỏ mọi đặc quyền nếu bạn rời bỏ họ?

Tại sao không “cứ thế mà đi”? Xét cho cùng, thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi, đúng như những gì Thủ tướng Anh Theresa May thường nói.

Những bàn tán về một Brexit mà không đi kèm với bất kỳ thỏa thuận nào xuất hiện ngày càng nhiều từ khi Thủ tướng Anh đề ra các mục tiêu đàm phán mới trong cuộc gặp tại Chequers hồi tháng trước.

Kế hoạch này được cho là không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên đảng Bảo thủ, trong khi nhiều người Brexit cho rằng nội dung kế hoạch dành cho Liên minh châu Âu (EU) quá nhiều nhượng bộ.

Hai thành viên nội các Anh đã từ chức vì cùng lý do này. Tồi tệ hơn, Brussels vẫn muốn nhiều hơn thế. Chuyên gia Mujtaba Rahman, hiện làm việc tại Tổ chức Eurasia, một hãng tư vấn, cho rằng dù công luận EU hoan nghênh những gì đạt được tại Chequers vừa qua, các ý kiến riêng lại khá tiêu cực.

[Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh tiếp tục tin tưởng đạt thỏa thuận với EU]

Trước những ý kiến trái chiều ở các bên, Thủ tướng May đang “quay lại” việc chuẩn bị cho kịch bản Brexit “không có thỏa thuận.”

Tân Bộ trưởng Brexit Dominic Raab nói về giá thuốc và thực phẩm leo thang. Ngoại trưởng Jeremy Hunt thì liên tục cảnh báo về nguy cơ Brexit diễn ra mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Chính phủ cũng sẽ sớm công bố các khuyến cáo về tác động của nguy cơ này cho các doanh nghiệp cá nhân. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu, đã ra những văn bản tương tự.

Bài báo nhận định một Brexit không đi kèm với thỏa thuận bị một số người xem là chiêu trò. Trước hết, họ cho rằng những đe dọa về nguy cơ này là một chiến thuật đàm phán, nhằm củng cố vị thế vốn đang khá yếu của Anh.

Tuy nhiên, điều này chỉ hiệu quả nếu những đe dọa là thật, trong khi thực tế rất ít người ở Brussels tin vào nó.

Một mục đích khác của những đe dọa này là nhằm giành được thêm sự ủng hộ của người dân trong nước đối với kế hoạch Chequers của Thủ tướng May, bằng cách đe dọa cử tri về những viễn cảnh u ám nếu phản đối nó.

Tính đến nay, những toan tính này rõ ràng đều chưa thành công.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người ủng hộ việc tiến hành Brexit mà không đi kèm bất kỳ thỏa thuận nào so với số người tán thành thỏa thuận Chequers là 2:1.

Thực tế có thể là bởi họ cho rằng một cuộc chia ly không đi kèm với thỏa thuận sẽ là dễ dàng. Cả hai bên có thể nhất trí hạn chế những gián đoạn trong hoạt động của các chuyến bay, hay cung cấp thực phẩm và hơn thế nữa. Tuy nhiên, một cuộc ra đi “thân thiện” như vậy có vẻ bất khả thi.

Dù là vô tình hay hữu ý thì thực tế là nếu kịch bản đó diễn ra, Anh cũng sẽ phủ nhận mọi điều khoản đã được nhất trí từ trước, nhất là hóa đơn trị giá 40 tỷ bảng (52 tỷ USD), các đảm bảo về quyền của công dân EU và không khôi phục biên giới ở Ireland.

Điều này chắc chắn sẽ khiến việc ra đi mà không kèm thỏa thuận trở nên vô cùng khó khăn và càng khiến tác động của nó trở nên tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây tiến hành cho thấy kịch bản này sẽ đem lại thiệt hại cho toàn bộ các nước EU, nhất là Ireland và các nước gần Kênh đào Anh, song Anh mới là quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Nhiều người ủng hộ Brexit không chấp nhận sự thật ấy, và họ đã sai.

Trước hết, trên khía cạnh thương mại, những người Brexit cho rằng Anh sẽ tiến hành các hoạt động dựa trên nguyên tắc của Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO), tương tự như hầu hết các nước nằm ngoài EU. Với việc không có bất kỳ thỏa thuận nào, Anh sẽ là quốc gia lớn và độc lập xúc tiến các hoạt động thương mại theo nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên, việc “chuyển đổi” sang WTO đi kèm với nhiều rủi ro.

Việc tiến hành thương mại với các quốc gia khác luôn đi kèm những phức tạp. Anh được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại mà EU kí với hơn 50 quốc gia, trong đó có Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản. Anh hy vọng vẫn giữ được những ưu ái này sau Brexit, song điều đó phải có sự chấp nhận của EU - kịch bản khó có thể diễn ra nếu hai bên không đạt bất kỳ thỏa thuận nào. Hơn thế nữa, London cũng cần có sự đồng thuận của các quốc gia khác.

David Henig, từng là một nhà đàm phán thương mại, cho rằng các quốc gia này chắc chắn sẽ áp đặt các điều khoản chặt chẽ bởi vị thế không còn như trước của Anh.

Thuế quan chắc chắn cũng sẽ trở thành một vấn đề lớn. Những người Brexit cho rằng Anh nên mở cửa biên giới, không áp đặt kiểm soát hay thuế quan với các nước trong EU.

Tuy nhiên, EU khó có thể làm điều tương tự với Anh. Số tờ khai làm thủ tục hải quan có thể tăng gấp 4, tiêu tốn tới 20 tỷ bảng chi phí mỗi năm. Hai phút chờ của xe tải tại cửa khẩu Dover sẽ dẫn đến những hàng dài xe tải tại Kent.

Thương mại tự do đơn phương chắc chắn cũng sẽ hủy hoại ngành nông nghiệp và sản xuất của Anh.

Không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc biên giới “cứng” sẽ được thiết lập tại Ireland. Những người Brexit vẫn tiếp tục cho rằng London và Dublin có thể thương thuyết để không thiết lập biên giới, song nếu không có thỏa thuận, việc này sẽ vi phạm các nguyên tắc riêng của EU, và của cả WTO.

Chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tại Anh sẽ là những nạn nhân tiếp theo. Việc vận hành các siêu thị và các nhà máy sản xuất ôtô phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động trung chuyển đúng từng giờ, và điều này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng với một Brexit-không-có-thỏa-thuận. Việc chuyển hướng sang các nguồn cung ngoài EU đòi hỏi cả thời gian và tiền bạc.

Các trở ngại về mặt lập quy càng tồi tệ hơn. Brexit không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh phải rời khỏi các cơ quan, cũng như tòa án của EU. Những người Brexit có thể ủng hộ điều này, song việc thiết lập các cơ chế thay thế sẽ phải mấy nhiều năm.

Danh sách này vẫn còn rất dài. Một trong những ưu tiên của những người Brexit là ngăn công dân các nước EU ra vào Anh tự do. Tuy nhiên, việc thiếu nhân sự canh gác biên phòng hay các cơ chế xuất-nhập cảnh sẽ khiến điều này là bất khả thi trong một thời gian dài.

Hợp tác về an ninh cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định khi Anh không còn là thành viên của Lệnh Bắt giữ châu Âu (EAW) và có quyền truy cập dữ liệu tình báo chung.

Những người ủng hộ Brexit có thể chỉ trích rằng những điều được liệt kê trên đây là nhằm gieo rắc những nỗi lo ngại mới, song thực tế không phải như vậy.

Lòng tin của các thị trường sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyên gia John Springford thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, một viện nghiên cứu chính sách, cho rằng một Brexit không đi kèm với thỏa thuận chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái và thoái vốn trầm trọng.

Bài báo kết luận rõ ràng Brexit mà không có thỏa thuận đi kèm không phải là một lựa chọn đáng để tính đến, cho dù nhiều người hiện đang ưu ái nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục