Brian Delate: Tâm sự người lính sau chiến tranh VN

Brian Delate chia sẻ, với anh, việc ghi lại ký ức và những câu chuyện đã qua để làm bài học cho hôm nay là điều vô cùng quan trọng.
Có những lúc, “ngay trên sàn tập, tôi đã chứng kiến cảnh anh ‘vật lộn’ với chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn (PTSD)-một chứng bệnh về thần kinh mà rất nhiều người lính gặp phải thời kỳ hậu chiến. Anh lặng đi, đầy đau đớn, vật vã…,” nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh đã chia sẻ như vậy về người bạn diễn của mình trong chương trình kịch nghệ “Ngày tưởng niệm” nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam-nghệ sỹ Brian Delate.

[“Ngày tưởng niệm”: Câu chuyện của thời hậu chiến]

Brian Delate-một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam muốn dùng nghệ thuật để nói về trải nghiệm của chính mình trong chiến tranh; để từ đó, truyền tới công chúng thông điệp về giá trị của hòa bình.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nghệ sỹ Brian Delate về những câu chuyện xung quanh “Ngày tưởng niệm.”

- Câu chuyện trong “Ngày tưởng niệm” bắt nguồn từ ý tưởng nào, thưa nghệ sỹ Brian Delate?


Nghệ sỹ Brian Delate:
Đó là cả một câu chuyện dài!

Tôi từng là một người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam trong thời gian 1969-1970. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người lính Mỹ khác trở về sau chiến tranh Việt Nam, tôi đã mắc phải chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn. Tôi tự “chôn vùi” mình trong một thế giới riêng với nỗi cô đơn suốt mười năm trời.

Khi căn bệnh đã thuyên giảm thì chính bản thân tôi lại là một trong những nhân chứng của sự kiện khủng bố xảy ra vào ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ. Tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp đôi.

Sau đó, tôi thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng. Cùng với đó, những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, ký ức về nó tiếp tục trở về ám ảnh tôi. Chúng thực sự khiến tôi thấy đau đớn.

Khi giải ngũ, tôi chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở đó, tôi tìm thấy cách để thể hiện chính mình.

Tôi nhận thấy, việc kể lại những câu chuyện đã qua, ghi lại những ký ức để làm bài học cho ngày hôm nay và tưởng nhớ đến những người đã qua đời là điều vô cùng quan trọng. Với tư cách là một người lính, tôi hiểu rằng, mỗi người lính đều có những tâm sự sâu kín, những câu chuyện riêng muốn chia sẻ.

Bởi vậy, tôi sáng tác những vở kịch với chủ đề này và “Ngày tưởng niệm” là một trong số đó.

- Ký ức về chiến tranh Việt Nam trong anh như thế nào, thưa nghệ sỹ Brian Delate?

Nghệ sỹ Brian Delate:
Đó thực sự là những ngày tháng đau đớn với khói lửa đạn bom, máu và nước mắt. Đến Việt Nam khi đó, chính bản thân tôi cũng không thể hình dung được hết những gì sẽ tác động đến mình. Tôi cảm thấy hãi hùng, lo sợ và nghĩ rằng, mình sẽ không thể có được một người bạn nào ở đây.

- Nói vậy, “Ngày tưởng niệm” là câu chuyện, ký ức của chính anh?

Nghệ sỹ Brian Delate:
“Ngày tưởng niệm” khám phá thế giới nội tâm của một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam có tên gọi Bret Westmoreland và cuộc vật lộn đơn độc của anh ta với hội chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn.

Vở kịch được viết và diễn bằng chính những trải nghiệm và cảm xúc thực của tôi. Tôi muốn viết “Ngày tưởng niệm” để những người chưa từng trải qua chiến tranh hiểu được những điều mà con em mình đã trải qua, cùng những nỗi dằn vặt, đau đớn mà họ phải chịu đựng sau khi chiến tranh kết thúc.

Tôi cũng muốn viết “Ngày tưởng niệm” để những người đã trực tiếp qua đi qua chiến tranh tự suy ngẫm lại về quá khứ và những trải nghiệm của mình.

Tôi hy vọng, tất cả chúng ta có thể cùng nhìn lại những hậu quả đau đớn và dai dẳng mà chiến tranh để lại; để cùng chung tay hàn gắn những vết thương đó và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

- Đã có lần nào anh trở lại chiến trường Quảng Ngãi chưa, từ sau khi chiến tranh kết thúc?

Nghệ sỹ Brian Delate: Vào tháng Một năm ngoái, tôi đã đến thăm lại chiến trường Quảng Ngãi xưa và chuyến đi đã thực sự khiến tôi xúc động. Tôi được những người dân ở đây tiếp đón với một thái độ cởi mở. Từ đó, tôi thấm thía hơn ý nghĩa của sự cảm thông và tha thứ!

Điều này cũng có ý nghĩa rất lớn với những vai diễn của tôi trên sân khấu. Trải nghiệm cảm xúc thật sẽ giúp chúng ta có cách diễn sâu sắc, để truyền được tới khán giả thông điệp của các vở kịch, vai diễn…

Khán giả ở Mỹ đã rất xúc động khi xem “Ngày tưởng niệm.” Đó là điều chắc chắn!

Trở lại thăm Việt Nam trong hai chuyến đi hàn gắn và hòa giải của các cựu chiến binh Mỹ thuộc tổ chức “Sáng kiến trái tim người lính” (SHI) vào năm 2012 và đầu năm 2013, tôi đã trình diễn những trích đoạn nhỏ từ vở kịch này trước một số nghệ sỹ của Việt Nam. Tôi đã rất xúc động khi họ nói rằng, tính nhân văn của tác phẩm là điều có thể cảm nhận được rất rõ. Nó buộc người xem phải lắng lại suy ngẫm.

- Thế nhưng, ở Mỹ, đây là một vở kịch mà anh độc diễn tất cả các vai. Vậy tại sao, đến Việt Nam, anh lại kết hợp cùng nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh?

Nghệ sỹ Brian Delate: Đúng vậy! Trên các sân khấu của Mỹ, tôi tự trình diễn, hóa thân vào tất cả các nhân vật của “Ngày tưởng niệm.”

Thực ra, trong vở kịch của tôi, có xuất hiện một hồn ma. Khi trình diễn, sẽ có một nữ diễn viên đứng sau cánh gà nói những câu thoại của hồn ma đó. Chúng xuất hiện để tô đậm sự giằng xé, vật vã trong nội tâm nhân vật cũng như những dẫn dắt vô hình cho hành động tự sát của nhân vật chính.

Khi tôi sang Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh đã đề nghị được tham gia vở kịch của tôi. Cô ấy nói: “Tôi có thể diễn ma đấy!” Thế là, tôi đã điều chỉnh kịch bản, cách diễn xuất để cô áy cùng xuất hiện trực tiếp thêm sân khấu, thay cho việc một diễn viên giấu mặt đứng sau cánh gà đọc lời thoại của hồn ma.

Tuy chúng tôi có rất ít thời gian để luyện tập cùng nhau (chỉ khoảng 6 ngày) nhưng đây là một trải nghiệm thú vị cho hành trình làm nghệ thuật của tôi. Tôi hình dung sự kết hợp này như một chiếc cầu nối cả về mặt nghệ thuật và tâm linh, để các bạn hiểu hơn về chúng tôi và chúng tôi cũng hiểu hơn về các bạn.

Sự hiểu biết này có thể hiểu trên nhiều phương diện: Nghệ thuật sân khấu, mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh…

- Trân trọng cảm ơn ông!

"Brian Delate là một nghệ sỹ độc diễn; tức là một mình anh sẽ đảm nhận vai trò của nhiều nhân vật trong cùng một vở diễn. Lối diễn xuất này không còn là điều lạ lẫm với sân khấu thế giới; nhưng vẫn khá mới mẻ với Việt Nam. Thông qua việc trình diễn “Ngày tưởng niệm” lần này, chúng ta cũng hiểu được nhiều kinh  nghiệm diễn xuất của các nghệ sỹ thế giới," nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh bày tỏ

Vở kịch "Ngày tưởng niệm" sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ các ngày 20 và 21/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

P. Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục