Brussels - Trái tim châu Âu và ngày đen tối của các vụ nổ

Sau các vụ nổ liên tiếp, đường phố Brussela chỉ có tiếng còi hú của xe cứu thương, xe cảnh sát, xe cứu hỏa; các bệnh viện đều trở thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và cứu chữa những người bị nạn.
Brussels - Trái tim châu Âu và ngày đen tối của các vụ nổ ảnh 1 Cảnh sát được tăng cường tại khu vực trụ sở Hội đồng châu Âu và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Có lẽ chưa bao giờ, thủ đô Brussels của Bỉ, nơi được mệnh danh "trái tim châu Âu" với trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại trải qua một ngày đen tối như hôm 22/3 này.

Bốn ngày sau khi vụ bố ráp ở quận Molenbeek bắt được nghi can Salah Abdeslam, một mắt xích trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 11 năm ngoái khiến 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, Brussels bị rung chuyển bởi các vụ nổ bom tấn công liều chết tại sân bay Zaventem và ở các ga tàu điện ngầm Maelbeek sát trụ sở của EU, ga Shuman và ga Arts-​loi.

Ngoài đường, chỉ có tiếng còi hú của xe cứu thương, xe cảnh sát, xe cứu hỏa. Các bệnh viện ở vùng thủ đô Brussels đều trở thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và cứu chữa những người bị nạn.

Trung tâm khủng hoảng được thiết lập tại Trung tâm thể thao thành phố Zaventem, nơi đón tiếp hành khách đi máy bay. Các nhân viên hỗ trợ làm việc hết công suất để trấn an hành khách và phục vụ mọi người. Không ít hành khách vẫn khá hoảng loạn.

Tại đây, hành khách ngồi nghỉ tạm trên những bục dành cho khán giả hay trên những chiếc ghế kê tạm. Bánh ngọt, trà, càphê được nhân viên tình nguyện phục vụ nhiệt tình. Chốc chốc, tiếng loa vang lên thông báo khi nào hành khách có thể tiếp tục chuyến bay và nhận hành lý của mình.

Brussels - Trái tim châu Âu và ngày đen tối của các vụ nổ ảnh 2
Brussels - Trái tim châu Âu và ngày đen tối của các vụ nổ ảnh 3Trung tâm thể thao thành phố Zaventem trở thành nơi đón tiếp hành khách đi máy bay. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Chị Chantal Tiako, một hành khách người Cameroon đến Paris và quá cảnh ở sân bay Zaventem, cho biết chị cùng mọi người lên Hall A để làm thủ tục. Khoảng năm phút sau, chị nghe thấy tiếng nổ lớn, các mảnh vỡ cửa kính bắn tung tóe. Chị cùng mọi người chạy tán loạn. Cảm giác của chị rất sợ hãi vì chưa bao giờ thủ đô Brussels lại nguy hiểm như hiện nay.

"Cho tới giờ tôi vẫn chưa hết hoảng sợ khi biết rằng rất nhiều người bị thiệt mạng và bị thương trong các vụ nổ ở sân bay và ga tàu điện ngầm Maelbeek. Cảm giác bất an chế ngự trong tôi. Có lẽ tôi không dám tới sân bay nữa. Tôi không biết sẽ về Paris như thế nào. Trước mắt, tôi tìm một khách sạn ở Brussels để qua đêm đã," chị Chantal Tiako tâm sự.

Tại trung tâm này, cảnh sát, nhân viên tình nguyện hết sức nhiệt tình để hướng dẫn hành khách. Ở đây không có người bị thương. Mọi nhân chứng đều nói giống nhau. Hai vụ nổ, sau đó là những tiếng kêu trong đám đông. "Chúng tôi không biết đây là nổ bom hay súng bắn nữa," Alan, 18 tuổi cho biết.

Vẻ mệt mỏi, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt nhiều hành khách. Tại đây, nhân viên hỗ trợ khuyên những ai sống ở các địa phương khác của Bỉ có thể đi tàu hỏa tới Louvain (một thành phố ở gần sân bay) sau đó sẽ trở về nhà bằng phương tiện công cộng. Còn những người khác sẽ nghỉ tạm tại Trung tâm.

"Mọi người đề nghị chúng tôi đợi ở đây nhưng quả thực tôi không biết phải đợi đến bao giờ. May mắn cho chúng tôi là nhà của con trai ở Bỉ, chúng tôi sẽ về đó nghỉ. Nhưng tôi nghĩ tới tất cả những người còn quá cảnh ở sân bay hay những người lần đầu tiên đến Bỉ. Nếu tình trạng chờ đợi kéo dài, quả là khó khăn cho họ," ông René, một hành khách sống tại Pháp cho biết.

Con đường cao tốc từ sân bay Zaventem dẫn về thủ đô Brussels trở nên thông thoáng kỳ lạ nhưng càng vào sâu trong thành phố thì dòng xe càng đông. Mọi ngả đường về trung tâm đều bị phong tỏa. Dòng xe chậm rãi nhích từng mét. Xe cảnh sát chắn khắp nơi. Một quả bom được phát hiện gần trường đại học Tự do Brussels và cảnh sát đã tháo ngòi nổ.

Các vụ nổ hôm 22/3 khiến ít nhất 35 người bị thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Cảnh báo đã được nâng lên mức bốn trên toàn lãnh thổ. Các nhà chức trách Bỉ nhận định đây là một thảm họa đối với đất nước kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. "Trái tim châu Âu" thật sự đã không bình yên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục