Bức ảnh nổi tiếng làm cả thế giới thay đổi quan niệm về bệnh AIDS

Hơn 20 năm qua, đã có khoảng 1 tỷ người xem được bức ảnh của Frare, bởi nó đã xuất hiện hàng trăm lần trên các tời báo, tạp chí và chương trình tivi khắp thế giới.
Bức ảnh nổi tiếng làm cả thế giới thay đổi quan niệm về bệnh AIDS ảnh 1David Kirby nằm trên giường bệnh. (Nguồn: Time.com)

Tháng 11/1990, tạp chí LIFE đã cho đăng bức ảnh về phút cuối đời của chàng thanh niên David Kirby, thân thể héo mòn vì bệnh AIDS và cái nhìn đờ đẫn, xung quanh là những thành viên gia đình.

Bức hình đầy ám ảnh này do Therese Frare, một sinh viên báo chí chụp lại và đã nhanh chóng trở thành bức ảnh biểu tượng mạnh mẽ nhất về đại dịch HIV/AIDS, khi đó đã ảnh hưởng tới hàng triệu người trên khắp thế giới.

Đến nay, sau khi một phần tư thế kỷ đã trôi qua, tạp chí LIFE lại đăng bức ảnh này, kèm theo câu chuyện cảm động phía sau nó, cùng những kỷ niệm của riêng Frare về khoảng thời gian đầy đau thương trong những năm chuyển dịch ấy.

Frare kể lại: “Tôi bắt đầu học tại Đại học Ohio ở Athens từ tháng 1/1990. Tôi tình nguyên tham gia vào Pater Noster House, một nhà an nghỉ (Hospice) dành cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ở Columbus. Vào tháng Ba, tôi bắt đầu chụp ảnh ở đó và biết thêm về các nhân viên, cũng như một tình nguyện viên là Peta, những người đã chăm sóc cho David và các bệnh nhân khác."

David Kirby sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Ohio. Là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người đồng tính trong những năm 80, anh biết mình đã nhiễm HIV vào cuối thập kỷ 80, khi đang sống ở California và xa lánh gia đình.

Sau khi biết chuyện, anh đã liên lạc với bố mẹ, và hỏi xem anh có thể về nhà không, bởi anh muốn dành những giây phút cuối đời có gia đình ở bên. Nhà Kirby đã chào đón con trai mình quay lại.

Về phần mình, Peta là một nhân vật phi thường trong câu chuyện của Frare. Tên thật là Patrick Church, Peta có một nửa dòng máu người Mỹ bản địa và nửa dòng máu người da trắng.

Frare nhận xét anh là “một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp.”

“Ngày David qua đời, tôi đã tới gặp Peta. Một số nhân viên tới báo với Peta để anh ấy đến gặp David, và Peta đưa tôi đi cùng. Tôi đứng ngoài cửa phòng David và làm việc của mình, cho tới khi mẹ David đi ra và nói gia đình họ muốn tôi chụp ảnh họ nói lời vĩnh biệt với David. Tôi bước vào và đứng im lặng ở một góc phòng, gần như không cử động, chỉ nhìn và chụp. Sau đó, tôi biết chắc chắn rằng, có điều gì đó phi thường đã sinh ra trong căn phòng ấy, ngay trước mắt tôi.”

“Ban đầu, tôi đã hỏi David liệu anh có đồng ý cho tôi chụp ảnh không, và anh ấy nỏi: “Không sao cả, miễn là không vì mục đích cá nhân.”

Tới tận bây giờ, tôi vẫn không nhận một đồng xu nào từ bức ảnh ấy. David là một nhà hoạt động xã hội, và anh ấy muốn tất cả mọi người biết AIDS có ảnh hưởng tồi tệ thế nào đến gia đình và cộng đồng."

Hơn 20 năm qua, đã có khoảng 1 tỷ người xem được bức ảnh của Frare, bởi nó đã xuất hiện hàng trăm lần trên các tời báo, tạp chí và chương trình tivi khắp thế giới.

Bức ảnh nổi tiếng làm cả thế giới thay đổi quan niệm về bệnh AIDS ảnh 2Bố của David khóc bên con trai. (Nguồn: Time.com)

Bức ảnh đã đoạt rất nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới.

Tuy nhiên, hai năm sau, bức ảnh mới càng trở nên nổi tiếng khi hãng quần áo Benetton dùng một phiên bản có màu của nó cho một chiến dịch quảng cáo.

Nhiều cá nhân và tổ chức, từ nhà thờ Công giáo La Mã (những người cảm thấy bức ảnh là sự móc mỉa hình ảnh Mary ôm Jesus vào lòng sau khi bị đóng đinh), tới các nhà hoạt động chống bệnh AIDS đã bày tỏ sự tức giận của mình.

Quỹ Terrence Higgins, một tổ chức từ thiện vì các bệnh nhân AIDS rất tiếng tăm ở Anh thậm chí đã kêu gọi cấm đoạn quảng cáo của Benetton, còn các tạp chí thời trang quyền lực như Elle, Vogue và Marie Claire thì từ chối đăng quảng cáo đó.

Tờ Sunday’s Times của Anh còn đề nghị tẩy chay quần áo Benetton.

Tuy nhiên, mẹ của David, bà Kay cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ không cho phép Benetton dùng bức ảnh của trong quảng cáo của họ. Tôi chỉ không hài lòng với những người cứ lên tiếng rằng họ giận dữ, trong khi họ chẳng biết gì về chúng tôi hay David. Con trai tôi đã bị đói đến chết." Bà thẳng thắn nói về một trong những hệ quả đáng sợ của bệnh AIDS.

“Chúng tôi cảm thấy đã đến lúc để mọi người biết sự thật về bệnh AIDS, và nếu Benetton có thể giúp chúng tôi làm điều đó, thì được thôi. Đoạn quảng cáo đó là cơ hội cuối cùng để mọi người biết David đã từng sống, giữa tất cả chúng ta.”

David Kirby qua đời vào tháng 4/1990 khi mới 32 tuổi, không lâu sau khi Frare bắt đầu việc chụp ảnh tại nhà an nghỉ.

Tuy nhiên cô đã dành nhiều thời gian hơn cả với Peta, người bị dương tính với HIV khi đang chăm sóc cho David.

Frare đã chụp ảnh Peta suốt hai năm, tới khi anh cũng qua đời vì bệnh AIDS vào mùa thu năm 1992.

“Peta là một người phi thường. Anh ấy luôn đứng giữa hai thế giới: vừa là người Mỹ bản địa vừa là người da trắng, vừa là người chăm sóc vừa là bệnh nhân, những anh ấy rất, rất mạnh mẽ.”

Khi sức khỏe Peta suy yếu vào đầu năm 1992, gia đình Kirby đã tới và bắt đầu chăm sóc cho anh, như cách anh đã chăm sóc cho con trai họ trong những tháng cuối đời.

Peta đã luôn an ủi, trò chuyện và cố gắng làm giảm nỗi đau cùng sự cô đơn cho David bằng những giao tiếp con người bình thường, và gia đình Kirby cũng đã làm điều tương tự cho anh, và luôn ở bên anh khi anh dần suy sụp.

Bà Kay Kirby chia sẻ: “Tôi đã quyết định, khi David sắp chết và Peta chăm sóc cho nó, rằng một ngày khi Peta đến lúc phải đi- và chúng tôi biết ngày đó sẽ đến- chúng tôi sẽ chăm sóc cho Peta. Chẳng có gì phải bàn cãi."

Sau khi sự việc với quảng cáo của Benetton lắng xuống, Therese Frare tiếp tục làm việc cho các tờ báo lớn như New York Times hay các tạp chí và kênh tin tức.

Khi thế giới hiểu biết nhiều hơn về HIV/AIDS, bức ảnh của Frare đã làm được nhiều điều hơn là xóa đi sự sợ hãi và tảng lờ về căn bệnh.

Barb Cordle, giám đốc quản lý tình nguyện viên tại Pater Noster từng nói rằng, bức ảnh của Frare “đã khiến nhiều người mềm lòng hơn bất cứ thứ gì tôi từng thấy. Không ai có thể nhìn vào bức ảnh ấy rồi cảm thấy căm ghét người bị bệnh AIDS. Không ai có thể làm vậy.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục