Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đương đầu với những thách thức nghiêm trọng và dai dẳng, tại Washington vừa liên tiếp diễn ra hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng với các cuộc họp bên lề của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và nhóm các nước mới nổi hàng đầu (BRICS).
Tại các cuộc họp này, các nhà lãnh đạo hai thiết chế tài chính lớn nhất thế giới cũng như các quan chức tài chính các nước tham dự đã cam kết sẽ cố hết sức mình để ổn định hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song thực sự đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Kinh tế toàn cầu trong "vùng nguy hiểm"
Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Thế giới (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của IMF - cho rằng kinh tế thế giới đang phải đương đầu với bốn thách thức chính là nợ công của khu vực đồng euro (Eurozone), hệ thống tài chính toàn cầu mong manh, tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa biến động mạnh và sức ép về an ninh lương thực cũng đang tạo ra những vấn đề không nhỏ cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước nghèo.
IMF nhấn mạnh hệ thống tài chính toàn cầu đang bị tác động tiêu cực trước các nhân tố bất ổn gây khủng hoảng lòng tin như thị trường châu Âu rối loạn, Mỹ lần đầu tiên bị đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng, tăng trưởng kinh tế trì trệ, các quyết toán tài chính mất cân bằng nghiêm trọng và thiếu quyết tâm chính trị ở các nền kinh tế phát triển.
[IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy]
Các thị trường tài chính của các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu hoài nghi khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc giành được sự ủng hộ chính trị rộng rãi để thúc đẩy các hành động chính sách cần thiết.
Theo IMF, thế giới đang trong cuộc khủng hoảng lòng tin ở cấp báo động đối với cả nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính. Nhiều kết quả của nỗ lực củng cố hệ thống tài chính trong 3 năm qua đã bị đảo ngược. Thực tế, số nước bị tác động của hiểm họa nợ công đã tăng lên, lo ngại về nợ công ở châu Âu đã lan sang hệ thống ngân hàng làm cho chi phí vay mượn tăng, giá trị thị trường của các ngân hàng giảm. Rủi ro tín dụng của các ngân hàng ở nhiều nước châu Âu đã tăng thêm 200 tỷ euro so với đầu năm 2010. Lo ngại cũng đang tăng lên ở Mỹ về sự bền vững của các khoản nợ của chính phủ nước này.
IMF cũng lưu ý rằng các mức lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở các nước phát triển có thể tiềm ẩn hiểm họa trong dài hạn đối với sự ổn định tài chính. Trong khi đó, ở nhiều thị trường mới nổi, nợ công và tín dụng tăng nhanh đã làm mất cân bằng tài chính và suy giảm chất lượng tín dụng, dẫn đến sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Các thị trường mới nổi cũng đang đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bất ngờ bị rút ồ ạt.
Lời kêu gọi từ IMF và WB
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực thi những biện pháp phù hợp để ứng phó với các nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Bà cảnh báo thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu nếu kinh tế Mỹ và châu Âu không trở lại đúng hướng và phục hồi tăng trưởng. Chính vì vậy, 187 nước thành viên cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Bà Lagarde cho rằng các nước phát triển cần ưu tiên cân bằng ngân sách để giảm gánh nặng nợ công, song cũng nhấn mạnh Mỹ cần hành động thận trọng để không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Bà kêu gọi các ngân hàng châu Âu tăng cường nền tảng vốn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bà cũng hối thúc các nước các nền kinh tế đang nổi đóng góp nhiều hơn để giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc hướng nền kinh tế giàu tiền mặt của họ tới tăng trưởng dựa vào nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Robert Zoellick nhấn mạnh châu Âu, Nhật Bản và Mỹ cần phải hành động nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của mình trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn hơn đe doạ phần còn lại của thế giới.
Ông Zoellick cảnh báo khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển có thể phá hoại nghiêm trọng các nền kinh tế mới nổi hiện đang đóng góp 50% GDP toàn cầu. Các nước đang phát triển cũng cần xây dựng các vùng đệm để ngăn chặn các tác động lan tỏa từ tăng trưởng trì trệ và thảm họa nợ công từ các nước phát triển.
Cam kết từ G20 và BRICS
BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tuyên bố họ có thể cho IMF cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khác vay thêm tiền để tăng khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho các nước châu Âu bằng cách mua trái phiếu như nhận định trước đó. Hiện vẫn chưa rõ các nước BRICS sẽ hỗ trợ tài chính cho các thiết chế đa phương theo hình thức nào cũng như số tiền sẽ cho vay là bao nhiêu. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, một nguồn tin từ Chính phủ Brazil cho biết, nhóm này có thể cung cấp cho IMF nhiều tỷ USD.
[BRICS đề nghị cho IMF vay tiền giải quyết nợ công]
Khi ngày càng nhiều nước cần những khoản vay khẩn cấp để tránh nguy cơ suy thoái, hầu bao của IMF càng cạn nhanh. Hiện thiết chế cho vay đa phương này có khoảng 630 tỷ USD để hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và cao. Trừ đi khoản tiền đã cam kết dành để hỗ trợ Hy Lạp và các nước khác cũng như khoản dự phòng, IMF chỉ có thể cho vay 383 tỷ USD trong 12 tháng tới, trong khi nhu cầu các khoản vay có thể lên tới 840 tỷ USD trong trường hợp tồi tệ nhất.
Trong khi đó, G20 cam kết làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần phối hợp để ngăn chặn tác động của khủng hoảng nợ công ở Eurozone đối với hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính toàn cầu. Các nước này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ được tái vốn hóa đầy đủ và được tiếp cận các nguồn tài chính để đối phó với các rủi ro. Các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các tổ chức cho vay khi cần và các chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Theo tuyên bố của G20, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hành động ngay vào đầu tháng 10 tới để đối phó với các nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế, với các giải pháp có thể được lựa chọn là hạ lãi suất và gia hạn các khoản nợ dài hạn cho các ngân hàng.
Trong khi đó, các nước Eurozone cam kết nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu nhằm tăng tối đa quyền hạn của quỹ này./.
Tại các cuộc họp này, các nhà lãnh đạo hai thiết chế tài chính lớn nhất thế giới cũng như các quan chức tài chính các nước tham dự đã cam kết sẽ cố hết sức mình để ổn định hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song thực sự đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Kinh tế toàn cầu trong "vùng nguy hiểm"
Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Thế giới (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của IMF - cho rằng kinh tế thế giới đang phải đương đầu với bốn thách thức chính là nợ công của khu vực đồng euro (Eurozone), hệ thống tài chính toàn cầu mong manh, tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa biến động mạnh và sức ép về an ninh lương thực cũng đang tạo ra những vấn đề không nhỏ cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước nghèo.
IMF nhấn mạnh hệ thống tài chính toàn cầu đang bị tác động tiêu cực trước các nhân tố bất ổn gây khủng hoảng lòng tin như thị trường châu Âu rối loạn, Mỹ lần đầu tiên bị đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng, tăng trưởng kinh tế trì trệ, các quyết toán tài chính mất cân bằng nghiêm trọng và thiếu quyết tâm chính trị ở các nền kinh tế phát triển.
[IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy]
Các thị trường tài chính của các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu hoài nghi khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc giành được sự ủng hộ chính trị rộng rãi để thúc đẩy các hành động chính sách cần thiết.
Theo IMF, thế giới đang trong cuộc khủng hoảng lòng tin ở cấp báo động đối với cả nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính. Nhiều kết quả của nỗ lực củng cố hệ thống tài chính trong 3 năm qua đã bị đảo ngược. Thực tế, số nước bị tác động của hiểm họa nợ công đã tăng lên, lo ngại về nợ công ở châu Âu đã lan sang hệ thống ngân hàng làm cho chi phí vay mượn tăng, giá trị thị trường của các ngân hàng giảm. Rủi ro tín dụng của các ngân hàng ở nhiều nước châu Âu đã tăng thêm 200 tỷ euro so với đầu năm 2010. Lo ngại cũng đang tăng lên ở Mỹ về sự bền vững của các khoản nợ của chính phủ nước này.
IMF cũng lưu ý rằng các mức lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở các nước phát triển có thể tiềm ẩn hiểm họa trong dài hạn đối với sự ổn định tài chính. Trong khi đó, ở nhiều thị trường mới nổi, nợ công và tín dụng tăng nhanh đã làm mất cân bằng tài chính và suy giảm chất lượng tín dụng, dẫn đến sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Các thị trường mới nổi cũng đang đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bất ngờ bị rút ồ ạt.
Lời kêu gọi từ IMF và WB
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực thi những biện pháp phù hợp để ứng phó với các nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Bà cảnh báo thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu nếu kinh tế Mỹ và châu Âu không trở lại đúng hướng và phục hồi tăng trưởng. Chính vì vậy, 187 nước thành viên cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Bà Lagarde cho rằng các nước phát triển cần ưu tiên cân bằng ngân sách để giảm gánh nặng nợ công, song cũng nhấn mạnh Mỹ cần hành động thận trọng để không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Bà kêu gọi các ngân hàng châu Âu tăng cường nền tảng vốn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bà cũng hối thúc các nước các nền kinh tế đang nổi đóng góp nhiều hơn để giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc hướng nền kinh tế giàu tiền mặt của họ tới tăng trưởng dựa vào nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Robert Zoellick nhấn mạnh châu Âu, Nhật Bản và Mỹ cần phải hành động nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của mình trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn hơn đe doạ phần còn lại của thế giới.
Ông Zoellick cảnh báo khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển có thể phá hoại nghiêm trọng các nền kinh tế mới nổi hiện đang đóng góp 50% GDP toàn cầu. Các nước đang phát triển cũng cần xây dựng các vùng đệm để ngăn chặn các tác động lan tỏa từ tăng trưởng trì trệ và thảm họa nợ công từ các nước phát triển.
Cam kết từ G20 và BRICS
BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tuyên bố họ có thể cho IMF cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khác vay thêm tiền để tăng khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho các nước châu Âu bằng cách mua trái phiếu như nhận định trước đó. Hiện vẫn chưa rõ các nước BRICS sẽ hỗ trợ tài chính cho các thiết chế đa phương theo hình thức nào cũng như số tiền sẽ cho vay là bao nhiêu. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, một nguồn tin từ Chính phủ Brazil cho biết, nhóm này có thể cung cấp cho IMF nhiều tỷ USD.
[BRICS đề nghị cho IMF vay tiền giải quyết nợ công]
Khi ngày càng nhiều nước cần những khoản vay khẩn cấp để tránh nguy cơ suy thoái, hầu bao của IMF càng cạn nhanh. Hiện thiết chế cho vay đa phương này có khoảng 630 tỷ USD để hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và cao. Trừ đi khoản tiền đã cam kết dành để hỗ trợ Hy Lạp và các nước khác cũng như khoản dự phòng, IMF chỉ có thể cho vay 383 tỷ USD trong 12 tháng tới, trong khi nhu cầu các khoản vay có thể lên tới 840 tỷ USD trong trường hợp tồi tệ nhất.
Trong khi đó, G20 cam kết làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần phối hợp để ngăn chặn tác động của khủng hoảng nợ công ở Eurozone đối với hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính toàn cầu. Các nước này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ được tái vốn hóa đầy đủ và được tiếp cận các nguồn tài chính để đối phó với các rủi ro. Các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các tổ chức cho vay khi cần và các chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Theo tuyên bố của G20, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hành động ngay vào đầu tháng 10 tới để đối phó với các nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế, với các giải pháp có thể được lựa chọn là hạ lãi suất và gia hạn các khoản nợ dài hạn cho các ngân hàng.
Trong khi đó, các nước Eurozone cam kết nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu nhằm tăng tối đa quyền hạn của quỹ này./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)