Bức tranh phác họa chính trường Mỹ trước bầu cử 2020

Chuyên gia nhận định: "Dường như đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cứng đầu cứng cổ. Họ đều tuân thủ những phiên bản thực tế riêng của mình dù có dựa trên sự thật hay không."
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP và AFP, một năm nữa tính từ ngày 3/11/2019, cử tri Mỹ sẽ quyết định liệu sẽ trao cho Tổng thống Donald Trump thêm một nhiệm kỳ thứ hai hay không - một cuộc bầu cử vốn sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về tầm nhìn của Trump đối với vai trò của Mỹ trên thế giới.

Mỹ và nền chính trị nước Mỹ sẽ như thế nào vào một năm tới, tức ngày 3/11/2020, vẫn là điều chưa rõ ràng.

Ai sẽ là đối thủ của Trump? Đảng Dân chủ sẽ giải quyết những vấn đề hệ tư tưởng và nhân khẩu học vốn nổi cộm trong cuộc bầu cử chọn ứng viên tổng thống của họ ra sao?

Liệu một nền kinh tế mạnh có giúp thúc đẩy nền tảng hậu thuẫn của ông Trump hay không hoặc liệu những dấu hiệu cảnh báo về suy thoái sẽ trở thành hiện thực hay không?

Liệu Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với cử tri của mình với tư cách là một vị tổng thống thứ ba của Mỹ bị Hạ viện luận tội hay không?

Nước Mỹ chia rẽ

Có một điều dường như chắc chắn là Mỹ sẽ rơi vào một cuộc bầu cử bị chia rẽ sâu sắc như hơn 50 năm trước, khi các thành phố ở Mỹ chìm trong biển biểu tình về chiến tranh và các quyền dân sự.

Mark Updegrove, một sử gia về tổng thống và Chủ tịch cơ quan nghiên cứu Lyndon Baines Johnson Foundation bình luận: "Dường như đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cứng đầu cứng cổ. Họ đều tuân thủ những phiên bản thực tế riêng của mình dù có dựa trên sự thật hay không."

Sự chia rẽ chính trị hiện nay phản ánh sự phân chia giáo lý về mặt kinh tế và xã hội giữa một bên mang tính nông thôn hơn và một bên mang tính thành thị hơn.

Nhiều khía cạnh trong số những phân chia này tồn tại từ trước thời Trump nhưng chính ông Trump đã làm trầm trọng hơn sự phân biệt này.

Trump chỉ trích những lực lượng đối lập chính trị là "cặn bã loài người" trong khi phe Dân chủ coi tầm nhìn của ông về tương lai của Mỹ là sự nguyền rủa đối với những giá trị nền tảng của đất nước.

Trên thực tế, không có tổng thống nào trong lịch sử khảo sát ý kiến công chúng lại đối mặt với sự phân hóa phe phái sâu sắc và kéo dài đến vậy.

Cụ thể, cuộc khảo sát của hãng Gallup cho thấy 86% người thuộc phe Cộng hòa ủng hộ Trump tại nhiệm, trong khi con số này đối với phe Dân chủ chỉ là 7%.

Chỉ một điều duy nhất có ý nghĩa hợp nhất các đảng phái là việc cử tri có mối quan tâm sâu rộng đối với chiến dịch tranh cử tổng thống, thậm chí ngay từ giai đoạn đầu.

Cùng về chủ đề này, một bài viết của AFP nhấn mạnh sự chia rẽ của Mỹ ở thủ tục luận tội tại Hạ viện hiện nay nơi mà cuộc bỏ phiếu hôm 31/10 nhằm chính thức hóa cuộc điều tra luận tội đã được thông qua song cho thấy sự phân chia bè phái hơn bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào trong số ba cuộc bỏ phiếu luận tội trước đó trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Trump cần làm gì?

Để giành chiến thắng, chiến dịch của Trump cần tạo ra sự hào hứng trong số những cử tri ủng hộ chủ chốt của mình, một nhiệm vụ không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với một vị tổng thống đương nhiệm chịu nhiều gánh nặng trong nhiệm kỳ bốn năm đầu.

Tuy nhiên, Trump đang mạnh tay về các chính sách nhập cư vốn là nguồn cảm hứng đối với lực lượng ủng hộ ông trong năm 2016, đồng thời nỗ lực thuyết phục những nghị sỹ Cộng hòa hoài nghi hơn rằng đảng Dân chủ đang đi quá đà.

Không chỉ dừng lại ở nỗ lực thuyết phục những nghị sỹ Dân chủ độc lập và trung dung để thay đổi lòng trung thành của họ, chiến dịch của Trump cần tin rằng nó có những triển vọng tốt đẹp hơn trong việc xác định những nhân vật hâm mộ Trump vốn không xuất hiện trong cuộc bầu cử năm 2016 và giờ huy động họ đi bỏ phiếu cho Trump.

Khả năng tái đắc cử của Trump có thể xoay quanh câu chuyện về tình hình kinh tế, vốn tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần thấp nhất trong vòng 50 năm qua và thị trường chứng khoán vẫn khởi sắc.

[Bầu cử Mỹ: Giới chuyên gia khuyến cáo các chính khách đảng Dân chủ]

Jason Chaffetz, cựu nghị sỹ Cộng hòa, khuyến nghị: "Rốt cục, người dân sẽ quan tâm tình hình tài chính của mình và họ sẽ làm gì. Vì vậy, ông ấy có thể chỉ rõ lợi ích của cuộc sống tốt đẹp hơn."

Tuy nhiên, một bức tranh toàn diện về nền kinh tế lại đưa ra một số cảnh báo đối với Trump khi chỉ còn một năm nữa là đến cuộc chạy đua tổng thống 2020.

Trong một số vấn đề kinh tế còn tồn đọng nổi lên là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay đã phần nào làm suy giảm đầu tư kinh doanh vốn là một trong những động lực cho tăng trưởng Mỹ. Đây cũng là câu chuyện chính về nền kinh tế Mỹ mà đảng Dân chủ muốn đề cập trong năm bầu cử tới đây.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ vẫn đang chật vật để tìm ra thông điệp của đảng mình đối với những cử tri coi thường ông Trump.

Điều khiến đảng Dân chủ lo lắng

Chỉ còn ba tháng nữa là đến mùa bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống của từng đảng, nhưng những ứng cử viên lại cho thấy sự không chắc chắn về bản sắc của đảng mình đại diện. 

Bức tranh phác họa chính trường Mỹ trước bầu cử 2020 ảnh 1(Từ trái sang): Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thượng nghị sỹ bang Massachusetts Elizabeth Warren và Thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg trong buổi tranh luận trực tiếp lần thứ 4 tại Westerville, bang Ohio ngày 15/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ví dụ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden thì tung hô kinh nghiệm kỳ cựu của mình và tham gia cuộc đua với tư cách là một ứng cử viên trung dung song kiên định và sẵn sàng làm việc với tất cả các phe phái chính trị.

Trong khi đó, thượng nghị sỹ Elizabeth Warren và Bernie Sanders thì lại kêu gọi sự thay đổi tự do mạnh mẽ.

Nỗi lo của Đảng Dân chủ đã gia tăng khi chưa thể tìm được một nhân vật mạnh mẽ có thể ra đấu với ông Trump. Đảng Dân chủ lo sợ rằng thượng nghị sỹ Warren và Sanders theo đường lối quá tự do để giành chiến thắng trên phạm vi toàn quốc trong khi thị trưởng South Bend, bang Indiana, ông Pete Buttigieg có thể không có khả năng mở rộng nền tảng ủng hộ của mình vượt ra ngoài lực lượng nòng cốt của cử tri da trắng theo đường lối tự do.

Vì vậy, đảng Dân chủ buộc phải vin vào những thông điệp chính trị liên quan chăm sóc sức khỏe, kiểm soát súng, cải cách nhập cư song những thông điệp của họ đôi khi trở thành "lãng xẹt."

Giáo sư khoa học Chris Arterton thuộc Đại học George Washington cho rằng trong ngắn hạn, cuộc điều tra luận tội sẽ bao trùm Washington cũng như luồng tin tức đồng thời sẽ làm tổn thương các ứng cử viên nỗ lực trở thành ứng cử viên hàng đầu.

Thế nhưng, điều to lớn nhất mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không rõ là các thủ tục luận tội đang được triển khai sẽ được người dân Mỹ nhìn nhận như thế nào trong vòng một năm tới tính từ thời điểm ngày 3/11/2019.

Các cuộc điều trần mà Hạ viện thực hiện đối với giới chức Nhà Trắng thời gian qua đã làm sáng tỏ đơn khiếu nại nặc danh vốn đề cập những quan ngại về cuộc trao đổi của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine.

Song, giống như những đường phác họa rõ nét hơn về bức tranh chính trị của Mỹ, thủ tục luận tội cho đến thời điểm này đang chia rẽ hai đảng.

Cuộc bỏ phiếu tuần trước về các điều lệ của quá trình luận tội đã được thông qua với sự ủng hộ của hầu hết nghị sỹ Dân chủ. Thế nhưng, các nghị sỹ Cộng hòa thì lại nói "không" với thủ tục luận tội.

Những con số này vẫn khiến đảng Dân chủ tiến hành luận tội ông Trump ở Hạ viện mặc dù Thượng viện dường như chắc chắn sẽ tha tội cho ông.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Virginia, Larry Sabato, khẳng định với AFP: "Không ai tin rằng ông Trump sẽ bị Thượng viện phế truất.

Vì vậy, đảng Dân chủ cần tập trung vào chiến dịch tranh cử." Tuy nhiên, điều này vẫn khiến ông Trump trở thành vị tổng thống đầu tiên tham gia cuộc đua tái tranh cử sau khi bị luận tội.

Nhà sử học về tổng thống Updegrove đặt câu hỏi liệu vấn đề đó có còn quan trọng nữa hay không trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 3/11/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục