Bức tranh toàn cảnh về nền dân chủ hiện nay ở châu Phi

Trong bối cảnh châu Phi cần tìm cách vượt qua các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài đối với nền dân chủ, vấn đề cấp bách không phải là hệ thống quản trị mà là chất lượng lãnh đạo.
Bức tranh toàn cảnh về nền dân chủ hiện nay ở châu Phi ảnh 1Lực lượng vũ trang Guinea tuần tra tại Kaloum, khu vực lân cận Conakry, sau vụ đấu súng dữ dội được cho là đảo chính ở thủ đô, ngày 5/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang dailymaverick.co.za mới đây đăng bài của Ronak Gopaldas, Giám đốc Chương trình Tín hiệu Rủi ro thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) và cũng là nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Kinh doanh Gordon (GIBS) thuộc Đại học Pretoria (Nam Phi), phân tích bức tranh về nền dân chủ hiện nay ở châu Phi.

Nội dung như sau:

Liệu các cuộc đảo chính gần đây ở một số quốc gia như Chad, Mali, Guinea và Sudan có đồng nghĩa với việc nền dân chủ ở châu Phi đang thất bại? Quan niệm này ngày càng trở nên phổ biến khi dịch vụ Internet bị ngắt kết nối, phe đối lập bị đàn áp và "chủ nghĩa nhiệm kỳ thứ ba" đang gia tăng. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy trong khi có nhiều vấn đề đáng lo ngại, một nền văn hóa dân chủ mạnh mẽ hiện đang phát triển ở nhiều nơi trên lục địa này.

Năm 2017, các cuộc bầu cử đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Liberia và Sierra Leone. Hành động phản đối được giải quyết thông qua các tòa án và quyền kiểm soát chính phủ được chuyển giao một cách trật tự, qua đó phản ánh sự trưởng thành của nền dân chủ tại các quốc gia có quá khứ đẫm máu gần đây.

Nigeria đã trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cho phe đối lập vào năm 2015, lần đầu tiên kể từ khi nền dân chủ ra đời tại nước này vào năm 1999. Ghana đã duy trì trạng thái hòa bình trong suốt 2 thập kỷ qua, còn lãnh đạo tại vị lâu năm của Gambia đã phải rời bỏ vị trí sau khi thất bại trong bầu cử năm 2016.

Trong khi đó, hệ hống tư pháp vẫn kiên quyết chống lại việc lộng quyền và lạm dụng quyền hành pháp ở một số quốc gia (Kenya năm 2017 và Malawi năm 2019), những nơi mà kết quả bầu cử bị hủy bỏ do có các vi phạm và bất thường. Một nền tư pháp độc lập cũng chiếm ưu thế ở Nam Phi, nơi cựu Tổng thống Jacob Zuma bị buộc phải ngồi tù vào tháng 7/2021 do phớt lờ quyết định của tòa án.

[Liên minh châu Phi kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Tigray]

Ở Zambia, ý đồ của đảng cầm quyền nhằm lật đổ nền dân chủ đã thất bại khi người dân lũ lượt đi bỏ phiếu và bầu ra một tổng thống mới. Sau “youthquake" (chấn động trẻ - những thay đổi quan trọng về văn hóa, chính trị, xã hội phát sinh từ hành động hoặc ảnh hưởng của thanh niên) hồi tháng 8/2021, tổng thống đương nhiệm đã phải chuyển giao quyền lực cho phe đối lập, bởi phe đối lập đã giành được thắng lợi mang tính quyết định trong cuộc bầu cử khiến việc gian lận không thể xảy ra.

Với việc bỏ phiếu sinh trắc học đang được sử dụng trên khắp châu Phi, sự tham gia nhiều hơn của người dân cũng như yêu cầu về trách nhiệm giải trình, việc thao túng các cuộc bầu cử ngày càng trở nên khó khăn hơn. Còn ở Tanzania, quá trình chuyển giao diễn ra trong hòa bình sau khi Tổng thống John Magufuli qua đời vào tháng Ba vừa qua đã tạo điều kiện cho một chương trình nghị sự cải cách ở nước này.

So với Ba Lan và Hungary, hay thậm chí các thị trường mới nổi lớn như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nơi nền dân chủ đã bị xói mòn đáng kể, các ví dụ trên cho thấy quỹ đạo dân chủ ở châu Phi không quá nghiệt ngã.

Ngược lại, Jakkie Cilliers - Giám đốc Chương trình Tương lai châu Phi thuộc ISS - cho rằng châu Phi dân chủ hơn các khu vực có cùng mức độ phát triển khác.

Tiến sỹ Cilliers lập luận rằng vì nền dân chủ thường đi sau sự phát triển, sự khởi đầu sớm của châu Phi có nghĩa là châu lục này phải đạt được cả 2 điều trên cùng một lúc, đây vốn là điều khó có thể đạt được nếu không có sự lãnh đạo chất lượng. Quá trình dân chủ hóa quá sớm của lục địa này dẫn đến sự bất ổn, bởi tiến trình đó “không đi kèm với các thể chế cần thiết để chuyển từ cá nhân hóa sang thể chế hóa.”

Mặc dù lục địa này không suy thoái, nhưng chắc chắn có nguyên nhân gây lo ngại ở một số quốc gia và khu vực. Năm 2020, chỉ số về quản trị châu Phi của Quỹ Mo Ibrahim lần đầu tiên ghi nhận sự suy giảm kể từ khi chỉ số này được đưa ra. Cùng năm đó, tổ chức nhân quyền Freedom House cũng quan sát thấy sự suy giảm tự do ở 22 quốc gia châu Phi.

Tại Ai Cập và Zimbabwe, các cuộc chuyển đổi dân chủ vẫn còn sơ khai. Sự lạc quan khi chứng kiến những nhà cầm quyền đã tại vị lâu năm được thay thế bởi những nhà lãnh đạo mới hóa ra lại là những điều hão huyền. Vai trò quá lớn của quân đội trong các vấn đề chính trị có thể là nguyên nhân hình thành các chế độ đàn áp thậm chí còn lớn hơn.

Ở Nam Phi, các phong trào giải phóng không hiện thực hóa được các cam kết bầu cử là thực hiện cải cách, trong khi nền kinh tế chính trị của hầu hết các quốc gia châu Phi khác không có tính cạnh tranh, không ổn định và bị chi phối bởi chủ nghĩa bè phái.

Các khuynh hướng độc đoán cũng thể hiện rõ cả trong thực tế và trong không gian mạng. Các nhân vật đối lập ở Rwanda và Uganda thường xuyên bị bỏ tù vì các cáo buộc giả mạo, trong khi các chính phủ ở Nigeria và Swaziland thường áp dụng các biện pháp hà khắc nhằm kiềm chế bất đồng chính kiến thông qua lệnh cấm Twitter và cắt Internet.

Bức tranh toàn cảnh về nền dân chủ hiện nay ở châu Phi ảnh 2Một sỹ quan cảnh sát ngồi trên ôtô tại trụ sở của Nền tảng Thống nhất Quốc gia ở Kampala, Uganda, vào tháng 1/2021. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Có lẽ đáng lo ngại nhất là khuynh hướng “sửa đổi hiến pháp” và “chủ nghĩa nhiệm kỳ thứ ba,” khi chứng kiến các chính trị gia thao túng luật pháp để duy trì quyền lực, như tại Cote d’Ivoire. Thêm vào đó là sự phát triển của “nền dân chủ triều đại” (Gabon và Mauritius) - nơi các chuyển đổi chính trị được "đạo diễn" theo hướng có lợi cho các thành viên gia đình.

Các cuộc đảo chính trong năm 2021 ở Mali, Guinea, Chad và Sudan khơi dậy ký ức về sự cai trị của các “ông lớn” và sự bất ổn kinh niên. Các can thiệp quân sự hiếm khi mang lại kết quả khả quan và phản ánh sự suy giảm lòng tin đối với các chính phủ và xã hội.

Quỹ đạo dân chủ của châu Phi không phải là tuyến tính hay luôn suôn sẻ. Đại dịch COVID-19 dẫn đến một số yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến bức tranh dân chủ châu Phi. Đầu tiên, COVID-19 đã khiến các vấn đề về quản trị trở nên nghiêm trọng hơn. Giữa lúc chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa độc tài đang trỗi dậy, liệu dân chủ có phải là một lựa chọn thích hợp không? Không chỉ ở châu Phi, trên khắp thế giới, niềm tin vào các chính phủ dân chủ đang giảm dần và các hệ thống thay thế đang thu hút sự chú ý.

Được thúc đẩy bởi sự đồng thuận của Bắc Kinh và thành công kinh tế của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Phi đã ủng hộ mô hình độc tài của cường quốc số hai thế giới cho lục địa này.

Lập luận của các nhà lãnh đạo châu Phi đơn giản là Trung Quốc trở nên thịnh vượng mà không cần đến các quy định dân chủ phương Tây, do đó các nước châu Phi cũng nên làm như vậy. Họ cho rằng nền dân chủ, với nguyên tắc kiểm tra và cân bằng, cản trở sự phát triển.

Châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng người già và người trẻ có quan niệm ngày càng chênh lệch nhau về các giá trị. Báo cáo của Afrobarometer năm 2019 cho thấy phần lớn người châu Phi tiếp tục ủng hộ nền dân chủ và từ chối các lựa chọn thay thế mang tính độc tài. “Thế hệ Facebook” gồm những người trẻ tuổi của châu Phi muốn quản trị tốt hơn và có trách nhiệm hơn, đồng thời nhấn mạnh vào dân chủ và phát triển.

Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu này, nguồn cung của nền dân chủ vẫn thiếu, tạo ra nhiều “nhà dân chủ bất mãn.” Thực tế này đã được thể hiện trong các làn sóng biểu tình gần đây do giới trẻ đi đầu như #endSARS (yêu cầu chấm dứt bạo lực của cảnh sát) tại Nigeria, biểu tình chống lại chế độ quân chủ tại Swaziland, #Fixthecountry (sửa chữa đất nước) tại Ghana và #FreeSenegal (giải thoát Senegal). Trừ khi tình trạng "mất kết nối" giữa tầng lớp thanh niên châu Phi vốn đang thất vọng và các nhà lãnh đạo thiếu phản ứng được giải quyết, nếu không sự đối đầu là không thể tránh khỏi.

Cuối cùng, công nghệ đã làm trầm trọng thêm bối cảnh chính trị vốn đã phức tạp hiện nay. Nền dân chủ "kỹ thuật số" và chế độ toàn trị "kỹ thuật số" đã nổi lên như hai mặt của một vấn đề, với các chính trị gia và người dân “chạy đua” để khai thác công nghệ nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự riêng. Sự căng thẳng này sẽ định hình liệu các quốc gia có áp dụng các hệ thống mở, minh bạch hay đi theo con đường đàn áp, giám sát của nhà nước. Cả hai đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự gắn kết xã hội.

Trong bối cảnh châu Phi cần tìm cách vượt qua các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài đối với nền dân chủ, vấn đề cấp bách không phải là hệ thống quản trị mà là chất lượng lãnh đạo. Khoảng trống lãnh đạo tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các khuynh hướng phản dân chủ và thay đổi chế độ trong hỗn loạn.

Cần có các nhà lãnh đạo trẻ hơn, nhạy bén hơn và hòa nhập hơn để giảm tính dễ bị tổn thương của các hệ thống chính trị trước những kẻ tham quyền cố vị và những kẻ âm mưu đảo chính. Thông điệp từ giới trẻ châu Phi là rất rõ ràng, chỉ đơn giản là hiện trạng chưa đủ tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục