Bức tượng Hussein và biểu trưng của một thời đại

Ngày 9/4 là tròn 10 năm ngày bức tượng Saddam Hussein bị kéo đổ ở quảng trường Firdos, biểu tượng chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Iraq.
Mười năm sau khi bức tượng của Saddam Hussein bị kéo đổ tại quảng trường Firdos, một sự kiện biểu trưng cho sự sụp đổ của Baghdad, Ezzedine Said, biên tập viên trưởng của AFP ở Trung Đông và Bắc Phi, nhớ lại những sự kiện của ngày lịch sử đó: Đó là ngày thứ 21 của cuộc chiến tranh Iraq, và bầu không khí ở khách sạn Palestine, nơi hầu hết các phóng viên quốc tế ở, rất nặng nề. Một ngày trước đó, hai đồng nghiệp của chúng tôi đã thiệt mạng sau một vụ xe tăng Mỹ nã pháo vào tòa nhà. Truyền hình nhà nước Iraq đã không phát hình trong 24 tiếng và các lực lượng Mỹ đang ở gần dinh thự tổng thống của Saddam Hussein, nhưng vào ngày 9/4/2003, cỗ máy tuyên truyền của ông ta vẫn tiếp tục nói về “một chiến thắng sắp đến”. Bộ trưởng thông tin khi đó Mohammed Saeed al-Sahhaf, nổi tiếng thế giới với biệt danh “Ali hoạt họa”, một ngày trước thậm chí còn đề nghị quân Mỹ buông vũ khí, hoặc sẽ phải đối mặt với thảm kịch kinh hoàng. Cách khách sạn vài trăm mét, một nhóm nhỏ các tay súng đang bắn về phía sông Tigris, nơi hai chiếc xe tăng Abrams đậu ở bờ bên kia vào lúc lực lượng liên minh với Mỹ ở Iraq đang tìm cách kiểm soát cây cầu chiến lược Jumhuriyah. Để tránh rơi vào làn đạn xe tăng, hàng chục tay súng thân Saddam, người Iraq và A-rập, tất cả mặc quần áo thường dân, trốn đằng sau các tòa nhà hay túi cát. Có cảm giác là họ dường như hoàn toàn phớt lờ việc quân Mỹ đang tiến lên trên khắp thủ đô, mà chỉ tập trung vào hai chiếc xe tăng hình bóng mờ nhạt bên kia cây cầu. “Baghdad sẽ không bao giờ thất thủ,” một tay súng trang bị súng phóng tên lửa vác vai, nói với tôi. Những đồng đội của anh ta cũng có lòng tin không lay chuyển vào chiến thắng đương nhiên. Bên kia sông, số phận của những tay súng đó đang được định đoạt bởi việc quân Mỹ tiến như vũ bão và đè bẹp mọi sự kháng cự của quân đội chính quy Iraq trên đường phố. Các xe tăng Mỹ tiến vào khu dinh thự tổng thống gần như không bị trầy xước gì, nổ súng thoải mái vào các công sự. Cho tới tận lúc đó, nhiều cư dân Baghdad thậm chí không biết rằng quân Mỹ đã sắp chiếm toàn bộ thành phố. Ở Zayouna, đông Baghdad, hàng trăm người Iraq chạy sang một đường cao tốc gần đó để chào đón các lực lượng Mỹ đang tiến nhanh về trung tâm thủ đô. Những thanh niên cởi áo và vẫy vào không khí, hét vang: “Hoan hô! Hoan hô!” Ngay sau khi các xe tăng Mỹ bắt đầu tiến vào, người Iraq tỏ ra sẵn sàng bày tỏ quan điểm hơn bao giờ hết, nói với báo chí và gọi Saddam bằng đủ danh hiệu, “kẻ độc tài”, “tên đồ tể”, “kẻ phản bội”… Mới hai ngày trước thôi, người Mỹ đã bắn vào ngôi nhà nơi Saddam được cho là đang ẩn náu và kể từ đó xuất hiện rất nhiều tin đồn về việc ông ta đang ở đâu. Tới ngày 4/4, Saddam vẫn còn có hai chuyến đi thị sát ở Baghdad, trong tầm bắn của vũ khí Mỹ.
Bức tượng Hussein và biểu trưng của một thời đại ảnh 1
Tượng Saddam Hussein bị lính Mỹ kéo đổ (Nguồn: AFP)
Trên đường trở về văn phòng của AFP ở khách sạn Palestine, tôi đi qua một vùng có trụ sở các bộ của chính quyền ở phía bắc thủ đô. Thật khó tin, cuộc cướp bóc đã bắt đầu. Các xe tải đậu gần đó chất đầy đồ đạc, máy tính, máy điều hòa và quạt. Những món đồ quý giá nhất, đương nhiên là từ các dinh thự của Saddam và những người con. Khi tôi trở lại khách sạn, cầu thang chật các phóng viên, chạy lên chạy xuống, thang máy không hoạt động kể từ khi cuộc chiến bùng nổ do cả thành phố bị cắt điện. Trong văn phòng, các đồng nghiệp của tôi tập hợp trên ban-công, hét vang “họ tới rồi, họ tới rồi!” Vào khoảng giữa trưa, các xe tăng Mỹ tiến vào, dừng lại ngay bên ngoài khách sạn ở quảng trường Firdos, nơi bức tượng đồng của Saddam choán hết không gian. Cảnh tượng thật khó tin, chúng tôi đã biết việc Baghdad thất thủ là không tránh khỏi, nhưng chúng tôi nghĩ sẽ phải mất nhiều ngày hơn. Vài phút sau, các lính thủy đánh bộ Mỹ đã có mặt ở sảnh khách sạn, nơi họ được phục vụ cà-phê, một dấu hiệu của lòng mến khách. Các binh sĩ sau đó nói với tôi họ rất bất ngờ vì sự tiếp đón nồng hậu. Trên quảng trường Firdos, một nhóm người Iraq được người Mỹ giúp đỡ đã kéo sập bức tượng đồng bằng dây thừng do xe tăng kéo. Khi bức tượng đổ, những người Iraq hét to hoan hỉ và bắt đầu đập phá nó, tay vung lên trời. Tất cả những gì còn lại là nền tượng bằng đá cẩm thạch vây quanh là 37 cây cột, do Saddam sinh năm 1937, mỗi cây cột có khắc chữ cái SH bằng tiếng A-rập. Với tôi, đó là một thời khắc đặc biệt ý nghĩa. Tôi đã ở Baghdad vào ngày khánh thành bức tượng, ngày 28/4/2002, sinh nhật 65 tuổi của Saddam. “Saddam, tên ngài khiến nước Mỹ run sợ” là một khẩu hiệu phổ biến lúc bấy giờ. Trận đánh giành cây cầu sẽ là trận cuối cùng của Baghdad./.
Bức tượng Hussein và biểu trưng của một thời đại ảnh 2
Trần Trọng lược dịch
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục