Bức xúc trước sự xâm hại Di tích Điện Biên Phủ

Du khách không khỏi bức xúc trước sự vô ý thức của những người xâm hại quần thể di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bức xúc là tâm trạng của hầu hết du khách khi tới tham quan quần thể di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên vào thời điểm này bởi hầu hết các di tích đều bị xâm hại trầm trọng.

Nằm trong khu rừng nguyên sinh cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km về phía Đông, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), quần thể di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi làm việc của Bộ Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Gắn liền với lịch sử dân tộc, quần thể di tích đã trở thành một biểu tượng của tinh thần, ý chí và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Việt Nam. Song những năm gần đây, do việc quản lý thiếu chặt chẽ, kinh phí tu bổ cấp không kịp thời, cộng với một bộ phận du khách thiếu ý thức nên quần thể di tích này đang bị xâm hại và nhanh chóng xuống cấp.

Một thực trạng dễ bắt gặp khi đặt chân đến quần thể di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là hệ thống thùng rác, ghế đá được bố trí dọc con đường từ cổng dẫn vào khu trung tâm di tích đã bị sứt mẻ những mảng lớn, xô lệnh khỏi vị trí ban đầu.

Tại các lán, hầm làm việc Điện Báo viên, Ban thông tin liên lạc, Trưởng ban thông tin chiến dịch, thậm chí cả lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch; hầm của Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch…, hệ thống bảng hiệu bị cào xước với những đường nguệch ngoạc.

Các bảng hiệu đặt tại vị trí cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, lán làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy, ngoài những vết cào xước nham nhở, không đọc được rõ nội dung giới thiệu, còn bị du khách khắc tên hoặc vẽ đè lên những hình thù phản cảm.

Anh Nguyễn Văn Thuần (du khách đến từ tỉnh Lạng Sơn) bức xúc: "Bản thân tôi và các du khách trong đoàn khi nhìn những tấm bảng hiệu bị xâm hại mà thấy buồn bởi hành động vẽ bậy, cạo xước của những người thiếu ý thức."

Không chỉ dừng ở đó, hệ thống cửa sổ, cửa ra vào tại Lán làm việc Ban cơ yếu chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm của thiếu tướng Hoàng Văn Thái… cũng đều bị xộc xệch. Nhiều tấm bản đồ (chất liệu gỗ ép) treo trên vách diễn tả tình hình, diễn biến chiến sự tại các cao điểm, cứ điểm của chiến dịch như Bản đồ diễn biến chiến sự tại cứ điểm 206, Bản đồ diễn biến chiến sự tại cứ điểm Him Lam, Bản đồ bố trí lực lượng của ta ở Điện Biên Phủ… đã bị xé rách, không còn nguyên vẹn, nhiều phần chú thích quan trọng đã mất.

Tại đường hầm xuyên núi nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (dài 96m) cũng chịu chung số phận. Nhiều bóng đèn điện của hệ thống chiếu sáng đã bị vỡ, phần còn lại của bóng treo lủng lẳng trên trần hầm.

Ông Lò Văn Hoàng, tổ trưởng tổ bảo vệ di tích cho biết trước đây cũng đã xảy ra trường hợp người dân tự ý vào đường hầm, lấy trộm thiết bị chiếu sáng rồi đấu nối nguồn điện cố tình gây chập, cháy thiết bị.

Bao bọc quanh khu Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là Mường Phăng là Rừng Đại tướng, dù đã có Quyết định số 194/CT (ngày 9/8/1986) quy định là rừng cấm; Chính phủ xếp hạng chiến trường Điện Biên Phủ là một trong mười Di tích quốc gia đặc biệt (tháng 8/2009), nhưng người dân địa phương vẫn lén lút vào rừng chặt phá, khai thác gỗ bất chấp luật định.

Theo thống kê của tổ bảo vệ khu di tích thì từ đầu năm 2011 đến nay, lực lượng bảo vệ ở đây đã phát hiện hai vụ vào rừng chặt, khai thác gỗ trái phép của người dân địa phương. Ban quản lý di tích đã giao cho lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên xử lý.

Nguyên nhân dẫn đến quần thể di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bị xâm hại, theo ông Hoàng đó là do người dân sống lân cận khu di tích, trẻ em bán hàng rong đi theo khách du lịch và một số khách tham quan thiếu ý thức đã xâm hại di tích vào thời gian lực lượng bảo vệ nghỉ trưa, hay hết giờ làm việc.

Một lý do khác cũng góp phần làm cho quần thể di tích lịch sử này nhanh chóng xuống cấp là cơ chế hai năm mới được cấp kinh phí một lần cho công tác tu bổ, sửa chữa./.

Xuân Tiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục