Bước chuyển mạnh mẽ trong thúc đẩy năng suất và chất lượng

Các hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giới thiệu năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng.
Bước chuyển mạnh mẽ trong thúc đẩy năng suất và chất lượng ảnh 1Hàng Việt được bày bán trong siêu thị (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 15/9, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn một (2010-2015) Chương trình quốc gia năng suất chất lượng (gọi tắt là Chương trình 712).

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, kể từ Thập niên chất lượng lần thứ nhất 1996-2005, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Trong 10 năm với những tiến bộ vượt bậc, các doanh nghiệp đã dần khẳng định chất lượng hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp nối những thành công đó, Thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015) với chủ đề “Năng suất chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập” đặt ra mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất chất lượng trong phát triển kinh tế đất nước.

Triển khai thực hiện mục tiêu của Thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt Nam.

Các hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giới thiệu năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng; đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng hệ thống giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp làm thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng Việt Nam.

Thập niên chất lượng lần thứ hai và kết thúc giai đoạn một của chương trình 712 (2012-2015) đã mang lại nhiều kết quả nổi bật như hơn 50% các tỉnh thành phố và một số bộ ngành đã phê duyệt và triển khai Chương trình năng suất chất lượng giúp cho việc chuyển biến nhận thức đến hành động ở các cấp bộ, ngành, địa phương cho đến cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia, đưa tổng số chuẩn quốc gia hiện hành lên 8.800 Tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa với quốc tế và khu vực là 45%. Khối doanh nghiệp cũng nhận thức được vai trò của năng suất chất lượng trong sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp còn chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức chuyên môn để được đào tạo, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất...

Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng được tăng cường cùng với các mô hình, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất áp dụng tại nhiều doanh nghiệp đã mang lại những kết quả cụ thể và trở thành những điển hình tiên tiến, có thể phổ biến và tiếp tục nhân rộng.

Những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đây lên trên 25% giai đoạn 2011-2014. Dự kiến mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế là trên 30% tính đến cuối năm 2015.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án năng suất chất lượng của một số ngành, địa phương còn chậm và một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục