Bước chuyển mình đổi mới hoạt động của các trạm y tế ở cơ sở

Bước chuyển mình đổi mới hoạt động của các trạm y tế ở cơ

Y tế cơ sở được đẩy mạnh phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bước chuyển mình đổi mới hoạt động của các trạm y tế ở cơ ảnh 1Khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Cẩm Thành, Hà Tĩnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã chiếm tới 86,9% dân số cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu.

Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng,” là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016 Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

[Trên 42.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế]

Đề án đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục.

Theo đó, y tế cơ sở được đẩy mạnh phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tạo môi trường gần gũi với người bệnh

Ngành y tế Hà Tĩnh hiện có 4/26 trạm y tế được Bộ Y tế chọn để triển khai mô hình điểm trong phát triển y tế cơ sở theo đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” gồm: Sơn Kim 1, Sơn Tây, Sơn Diệm và thị trấn Phố Châu.

Không chỉ thực hiện tốt việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe ban đầu cho người dân, mô hình điểm các trạm y tế cơ sở tại Hà Tĩnh còn huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng khuôn viên xanh-sạch-đẹp, tạo môi trường thân thiện gần gũi với người bệnh.

Các trạm đều có khu trồng cây thuốc nam với hàng chục loại cây thuốc được bố trí hợp lý, cùng với các tán cây bóng mát tạo cảnh quan xanh mát, thoáng đãng như ở công viên giúp người bệnh có một không gian trong lành, thư giãn.

Từ chỗ mỗi ngày chỉ tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10 người dân, đến nay, sau khi tham gia mô hình điểm trạm y tế theo, mỗi ngày Trạm y tế Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã khám và điều trị cho 25 đến 30 người bệnh. Đặc biệt, Trạm y tế xã Sơn Kim 1 đã đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm trên hồ sơ sức khỏe điện tử theo mô hình bác sĩ gia đình.

Việc quản lý sức khỏe người dân qua hồ sơ sức khỏe điện tử giúp các cán bộ y tế thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho người dân, giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, tiền đái tháo đường… đồng thời tư vấn cho người dân cách phòng ngừa và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh.

Hiện tại, trạm đã được tiếp cận với nhiều kỹ thuật điều trị mới để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn tại tuyến xã…

Trạm Y tế xã Sơn Diệm cũng là một trong 4 trạm y tế của tỉnh Hà Tĩnh tham gia đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.” Trạm đang trực tiếp quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 5.300 người dân trong xã, trong đó có hơn 300 bệnh nhân khám, chữa bệnh thường xuyên. Ngoài ra, trạm còn tổ chức khám lưu động định kỳ tại tất cả các thôn xóm để phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết kịp thời ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu…

Cùng với các trạm y tế tham gia đề án của Bộ Y tế, Trạm Y tế xã Sơn Diệm đã góp phần phát hiện sớm bệnh tật, điều trị kịp thời cho nhiều người dân trong xã, giảm chi phí đi lại cho người dân và quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Bước chuyển mình đổi mới hoạt động của các trạm y tế ở cơ ảnh 2Tủ thuốc tại Trạm y tế xã phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đẩy mạnh lập hồ sơ sức khỏe cá nhân

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm cho hoạt động tại các trạm y tế điểm. Các trạm y tế tập trung truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; triển khai thực hiện công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Các trạm triển khai thực hiện nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, đảm bảo duy trì các hoạt động chuyên môn về khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã. Đồng thời, các trạm triển khai thực hiện các gói dịch vụ cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; quan tâm chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh thường gặp cho người cao tuổi, người khuyết tật. Cùng với đó, các trạm y tế xã tiếp tục củng cố công tác phòng chống dịch, công tác y học cổ truyền, dân số, quản lý dược…

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, để triển khai đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, năm 2017, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm.

Các trạm y tế được chọn làm điểm có quy mô dân số từ 5.000 đến 6.000 người; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế; cơ bản đủ đội ngũ nhân lực, ưu tiên các trạm mời được các bác sĩ về hưu, kết hợp lương y tại địa phương để làm việc tại trạm.

26 trạm y tế điểm được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, được cử bác sỹ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sỹ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm…

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ y tế cơ sở, nhất là tại các trạm y tế xã, Bộ Y tế cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018-2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục