“Bước đầu huy động xã hội tham gia làm giáo dục”

Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã dần tạo ra một cơ chế để huy động ngày càng nhiều các lực lượng xã hội cùng tham gia giáo dục thế hệ trẻ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn thiện Nhân khẳng định, sau 1 năm thực hiện  phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã lan toả, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của các lực lượng xã hội, các phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong cả nước.

Tính đến tháng 8/2009 cả nước đã có 40.637 trường học tự nguyện đăng ký tham gia phong trào, hơn 5.500 trường xây dựng thành mô hình điểm cấp tỉnh. Điều quan trọng là từ phong trào đã dần tạo ra một cơ chế để huy động ngày càng nhiều các lực lượng xã hội: văn hoá, thể thao, phụ nữ, khuyến học, tổ chức Đoàn-Đội,... cùng tham gia giáo dục thế hệ trẻ, giúp các em có thêm kỹ năng sống, bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện phong trào, do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức, ngày 22/8, tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân  - người khởi xướng phong trào nhấn mạnh, từ phong trào, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo như: tổ chức dạy học hát dân ca; tổ chức cho học sinh nhận chăm sóc các di tích văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương.

Đổi mới phương pháp giảng dạy đã góp phần làm cho những môn học trước đây khô cứng như: giáo dục công dân... trở nên sinh động và có sức lay động.

Phó Thủ tướng bày tỏ, các thầy cô và phụ huynh rất an tâm vì qua việc đẩy mạnh các sinh hoạt tập thể, phong trào đã giúp các em đến trường thấy vui hơn. Chính quyền các địa phương cũng đã quan tâm chỉ đạo phong trào, cấp đất bổ sung khuôn viên trường học, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường để đạt Chuẩn quốc gia. Vì thế đến nay 91% các trường học đã có nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Hơn 2,2 triệu cây xanh được trồng và chăm sóc, giúp cảnh quan nhà trường đẹp hơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, năm học 2009 - 2010, phong trào cần đẩy mạnh hơn nữa , tập trung vào các nội dung: giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh trường học, nhất là tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh do học sinh không có ý thức và thiếu kỹ năng sống vệ sinh; bàn giao tất cả các di tích văn hóa cho nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu, giữ gìn chăm sóc.

Chủ đề của phong trào trong năm học 2009 - 2010 là: “1.000 năm Thăng Long” và “Việt Nam trong thế kỷ XXI”./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục