Bước tiến gần hơn tới tham vọng của Hải quân Trung Quốc

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã tiến thêm 1 bước tới gần mục tiêu triển khai hạm đội tàu sân bay tác chiến toàn diện.
Bước tiến gần hơn tới tham vọng của Hải quân Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhua)

Theo trang mạng nationalinterest.org, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã tiến thêm 1 bước tới gần mục tiêu triển khai hạm đội tàu sân bay tác chiến toàn diện.

Trong những ngày gần đây, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo và lắp ráp có tên Sơn Đông đã có chuyến đi thử nghiệm thứ hai.

Trong khi đó, PLAN cũng đã triển khai các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển cho tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Type 055 lớn nhất trong lịch sử nước này là Nam Xương.

Sơn Đông, tàu sân bay Type 001A được dựa trên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, hạ thủy vào ngày 26/4/2017 và có cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên vào hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên, cũng giống như mọi tàu chiến khác, chuyến đi biển đầu tiên của Sơn Đông cho thấy còn rất nhiều bất cập cần sửa chữa.

Các thay đổi này sẽ được thử nghiệm trong chuyến đi thứ hai và các hệ thống mới được lắp đặt trên con tàu này từ sau chuyến đi đầu tiên cũng sẽ được vận hành thử.

Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc, số ra ngày 27/8, đưa tin: “Một nhà nghiên cứu tàu biển thuộc Hải quân Trung Quốc đề nghị giấu tên nói rằng ông hy vọng chuyến đi thứ hai (của Sơn Đông) sẽ giúp kiểm tra hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc, điều hướng cùng các thiết bị điện tử cũng như cơ khí của tàu sân bay này. Ông cũng nói rằng chuyến đi sẽ là dịp để thử nghiệm những thay đổi và cải tiến đối với hệ thống động lực của con tàu, hệ thống được hoàn thiện sau chuyến đi đầu tiên.” 

Bài viết cũng lưu ý rằng tàu sân bay mới sẽ còn phải thực hiện vài chuyến đi thử nghiệm khác trước khi được phiên chế chính thức cho PLAN.

Tuy nhiên, Sơn Đông mới chỉ là một bước tiến và các tàu sân bay thế hệ sau của Trung Quốc chắc chắn sẽ hiện đại hơn rất nhiều.

Báo cáo 2018 về năng lực quân sự mà Lầu Năm Góc trình Quốc hội nhấn mạnh: “Tàu sân bay nội địa đầu tiên được Trung Quốc hạ thủy vào năm 2017 nhiều khả năng sẽ tham gia hạm đội tàu chiến vào năm 2019… Tàu sân bay mới là một phiên bản cải tiến của Liêu Ninh, song vẫn còn nhiều hạn chế tương tự do thiếu bệ phóng máy bay và có phần boong tàu nhỏ hơn so với các tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu lắp ráp tàu sân bay có bệ phóng máy bay đầu tiên vào năm 2018, đủ sức hỗ trợ triển khai hoạt động của nhiều máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm và các chiến dịch không quân cần triển khai nhanh.”

Tàu khu trục Type 055 Nam Dương cũng đã bắt đầu hải trình sau khi được hạ thủy vào tháng 6 vừa qua.

[Tiết lộ lớn nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc]

Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin con tàu này bắt đầu hành trình từ xưởng đóng tàu Jiangnan tại Thượng Hải vào ngày 24/8 vừa qua.

Tờ báo viết: “Tàu khu trục Type 055 có tải trọng hơn 10.000 tấn và có 112 ống phóng thẳng đứng, có thể phóng nhiều loại tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa.”

Trung Quốc đang đóng mới ít nhất 4 tàu khu trục Type 055 để tham gia đội hộ tống tàu sân bay. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các tàu Type 055 - được Lầu Năm Góc cho là tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường lớp Renhai - có thể trở thành đối thủ đáng gờm khi chính thức hoạt động vào năm 2019.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: “Tàu lớp Renhai là thiết kế có tải trọng 10.000 tấn có thể mang theo nhiều tên lửa hành trình chống hạm, và các tên lửa đất đối không. Nó cũng có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất.”

Ngay cả khi không có các vũ khí này, các tàu Type 055 cũng có thể là vũ khí chống hạm đáng lưu tâm. Báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn: “Tàu khu trục Luyang III và tàu lớp Renhai sẽ phù hợp với các mẫu tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 mới nhất của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không dừng ở đó, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “PLAN nhận thức được rằng các tên lửa hành trình chống hạm cần có khả năng tấn công tấn công các mục tiêu ở rất xa để giúp họ đạt được những dự định của mình. Trung Quốc đang đầu tư vào các hệ thống do thám, giám sát và điều khiển ở các cấp chiến lược, tác chiến và chiến thuật để có thể cung cấp thông tin về mục tiêu chính xác nhất có thể cho các thiết bị phóng trên mặt đất, trên biển và trên không”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục