Buổi học đầu tiên ở ngôi trường vùng xa khó khăn nhất Thanh Hóa

Thầy trò Trường phổ thông Cao Sơn xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, nơi “thâm sơn, cùng cốc" thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
Buổi học đầu tiên ở ngôi trường vùng xa khó khăn nhất Thanh Hóa ảnh 1Buổi học đầu tiên của năm học 2015-2016 ở Trường phổ thông Cao Sơn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/Vietnam+)

Sáng 5/9, hòa chung không khí phấn khởi cùng với học sinh cả nước, thầy trò Trường phổ thông Cao Sơn (trường Tiểu học-Trung học cơ sở Cao Sơn), xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, nơi “thâm sơn, cùng cốc" thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.

Trên khuôn mặt các thầy giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hy vọng một năm học mới gặt hái được nhiều thành công.

Đặc biệt, từ năm học 2015-2016, thầy trò của Trường phổ thông Cao Sơn không còn phải đi bộ hơn 10km đường rừng để đến trường bởi đã có con đường nối từ trung tâm xã Lũng Cao lên đến 3 bản Son, Bá, Mười, nơi có Trường phổ thông Cao Sơn.

Con đường mới này cũng giúp thầy trò nơi đây gần gũi hơn, yên tâm gắn bó hơn với ngôi trường nơi vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn, phấn khởi cho biết năm học 2015-2016, 100% học sinh đến tuổi đến trường đều được đi học, trong đó có 16 em học sinh bước vào lớp 1, 12 em học sinh lớp 5 lên lớp 6 của 3 bản Son, Bá, Mười. Toàn trường Trung học Cao Sơn có 95 học sinh với 9 lớp, trong đó lớp nhiều nhất có 16 em, lớp ít nhất có 6 em học sinh.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, với 70% hộ nghèo, nhưng các gia đình dân tộc Thái ở đây đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em mình được đến trường tìm con chữ. Bản thân các em học sinh cũng rất hiếu học. Khó khăn là vậy, nhưng nhà trường luôn có học sinh đạt giải cấp huyện.

Thầy Định chia sẻ vào những năm 2007 trở về trước, Cao Sơn chưa có trường học như hôm nay. Trẻ em khi đó phải vượt hàng chục km đường rừng để đến các trường học ở tỉnh Hòa Bình. Nhiều gia đình dù không đủ ăn, mặc nhưng vẫn gắng cho con đến lớp. Cũng chỉ mới đây thôi, vào ngày đầu của năm học 2014-2015, các thầy giáo nhà trường còn phải đi bộ gần 5 giờ để vượt qua quãng đường 10km, trong đó có 3km phải trèo trên các vách đá dựng đứng và ngay phía sau lưng là vực sâu hun hút để đưa con chữ đến với các em học sinh ở 3 bản Son, Bá, Mười trên tận đỉnh Pha Hé cao 1.500m so với mực nước biển.

Thầy Vi Văn Hoan, người gắn bó với nhà trường từ khi thành lập đến nay, cho biết việc dạy và học nơi đây có những nét rất riêng biệt. Do thời tiết khắc nghiệt, nhà trường phải tổ chức cho các em vào học từ 8 giờ sáng, sau đó các thầy chỉ có đủ thời gian ăn trưa rồi lại phải lên lớp ngay cho kịp giờ tan học vào khoảng 4 giờ chiều, bởi muộn hơn trời sẽ tắt nắng, lớp học cũng không đủ ánh sáng vì 3 bản Son, Bá, Mười chưa có điện lưới quốc gia.

Thầy Hoan cũng cho biết thêm nếu các trường học ở vùng khác, khi thời tiết rét xuống dưới 10 độ C là học sinh được nghỉ học tránh rét nhưng ở đây lại khác. Nhiều mùa Đông, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cây cỏ đóng băng trong sương giá các em vẫn đến trường. Bởi lẽ, nơi đây mùa Đông quanh năm, nếu cho các em nghỉ đúng như quy định thì học sinh phải nghỉ gần hết cả năm học. Khó khăn là vậy nhưng trong vòng 5 năm qua, chưa có trường hợp học sinh bỏ lớp, tỷ lệ phổ cập luôn đạt trên 80%.

Đến nay, Trường phổ thông Cao Sơn đã bớt khó khăn hơn so với trước, đặc biệt đã có con đường nối từ trung tâm xã lên đến tận trường phổ thông Cao Sơn, nhưng thầy trò nơi đây vẫn còn thiếu thốn trăm bề.

Không có điện, các bài giảng theo giáo án điện tử không thể áp dụng được, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu và đã xuống cấp song thầy trò nhà trường vẫn tin rằng chỉ nay mai thôi những khó khăn, thiếu thốn đó sẽ được khắc phục, để những con chữ được gieo trồng nơi đây sẽ đến ngày được gặt hái, có được những thành quả, có được những vụ mùa bội thu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục