Burkina Faso: Đối thoại về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp

Ngày 8/11, các phe phái tại Burkina Faso đã tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên tại thủ đô Ouagadougou nhằm thảo luận việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở nước này sau cuộc đảo chính hôm 31/10.
Burkina Faso: Đối thoại về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ảnh 1Đối thoại về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Yemen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/11, các phe phái tại Burkina Faso đã tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên tại thủ đô Ouagadougou nhằm thảo luận việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở nước này sau cuộc đảo chính hôm 31/10 vừa qua.

Tham gia đối thoại có khoảng 60 đại diện của quân đội, các đảng phái chính trị và xã hội dân sự.

Ban đầu, quân đội - hiện đang nắm quyền điều hành Burkina Faso - từ chối tham gia đối thoại, tuy nhiên sau đó, Trung tá Isaac Zida - người được quân đội chỉ định làm lãnh đạo lâm thời của Burkina Faso - đã cử một đoàn tham gia do Đại tá August Denise Barry dẫn đầu.

Theo một số nguồn tin, tại cuộc đối thoại, các bên đã đề xuất thành lập một chính phủ chuyển tiếp gồm 25 thành viên và một cơ quan lập pháp lâm thời gồm 90 người, đồng thời thảo luận vấn đề ai sẽ nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ chuyển tiếp.

Tại cuộc đối thoại, Đại tá Barry khẳng định rằng quân đội không có ý định nắm giữ quyền lực.

Trước đó, các tổ chức dân sự nhất trí rằng quá trình chuyển tiếp chính trị ở nước này sẽ kéo dài 1 năm và do một đại diện dân sự đứng đầu trước khi các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được tổ chức vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đề cử được người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp.

Phát biểu sau cuộc gặp Trung tá Zida tại thủ đô Ouagadougou ngày 8/11, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Bisa Williams bày tỏ tin tưởng đối với các cam kết của quân đội Burkina Faso về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp dân sự có nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ trong thời gian sớm nhất.

Mỹ và Pháp hiện đang gây sức ép buộc quân đội quốc gia Tây Phi này sớm tiến hành tổng tuyển cử.

Trong khi đó, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) kêu gọi cộng đồng quốc tế không áp đặt trừng phạt đối với Burkina Faso./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục